Dùng gậy gỗ để “dạy dỗ” con của chồng
Ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai) để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Khi bị bắt, Trang khai có quan hệ tình cảm với ông Th (cha bé A). Cả 3 sinh sống tại một căn hộ chung cư ở quận Bình Thạnh. Thời gian sống chung, Trang nhiều lần đánh đập bé gái. Cụ thể, Trang đặt mua roi mây để “dạy dỗ” con của chồng. Sau khi roi mây gãy, Trang chuyển sang đánh bé gái bằng gậy gỗ.
Cơ quan điều tra khởi tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang tội hành hạ bé gái 8 tuổi tử vong
Sáng 22/12, bé học online đến 10 giờ thì Trang kiểm tra bài. Đến 14 giờ chiều, Trang nấu phở cho bé ăn. V.A có đòi uống sữa và được Trang đưa cho 3 hộp. Sau đó bé tiếp tục uống nước ép ổi. Sau khi ăn uống xong, Trang dạy bé gái 8 tuổi học. Do bé gái làm sai nên Trang đánh nhiều cái. Bị can chỉ dừng đánh đến khi bé A học tốt lên. Khoảng nửa giờ sau, bé A kêu mệt và vào phòng nghỉ. Thấy bé nôn ói, Trang dọn dẹp và gọi cha nạn nhân về.
Ông Th về đến nhà thì ôm con gái vào nhà tắm. Phát hiện trong mũi bé có nhiều dị vật (thức ăn) nên ông Th hút ra. Thấy con gái yếu, người cha gọi cấp cứu và nhờ bảo vệ đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Theo Công an quận Bình Thạnh, kết quả pháp y xác định bé gái bị phù phổi cấp và trên người có nhiều vết bầm. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định Trang có dấu hiệu bạo hành bé A nên ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam.
Đại diện Công an quận Bình Thạnh cho rằng hiện một số phụ huynh vẫn còn dạy con bằng đòn roi. Hành vi này nếu nhẹ sẽ bị xử lý hành chính, nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Quá trình sống chung, hàng xóm nếu phát hiện các vụ việc có dấu hiệu bạo hành trẻ em thì nên báo chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời, tránh xảy ra vụ việc đáng tiếc”, đại diện Công an quận Bình Thạnh khuyến cáo.
Còn về phần người cha, cảnh sát cho biết đang làm rõ hành vi của người này. Nếu xác định có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ xử lý đúng theo quy định pháp luật.
Cần xử lý bị can tội cố ý gây thương tích!
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những băn khoăn của bạn đọc qua vụ việc nêu trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Việc Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội hành hạ người khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 140 BLHS là quyết định khởi tố ban đầu. Trong quá trình điều tra, nếu xét thấy có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can có dấu hiệu của tội phạm khác thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Theo quan điểm của luật sư Thơm, để đánh giá đúng hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang thì cần phải căn cứ vào kết luận giám định của cơ quan chuyên môn nguyên nhân chết của cháu bé.
Kết quả pháp y tử thi ban đầu xác định bé gái bị phù phổi cấp và trên người có nhiều vết bầm. Như vậy có thể thấy việc cháu bé bị tử vong có sự tác động ngoại lực gây nên. Có thể trường hợp tử vong của cháu không phải do hành vi của đối tượng trực tiếp đánh cháu gây tử vong nhưng nó lại là nguyên nhân gián tiếp gây ra trong suốt thời gian dài với những biến chứng trong cơ thể dẫn tới cháu bị tử vong. Trong trường hợp này, hành vi của nghi phạm thuộc trường hợp cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
“Ở đây cần phân biệt với tội giết người khi hậu quả chết người xảy ra là do hành vi sử dụng vũ lực tác động trực tiếp gây nên thì theo lý luận tội phạm sẽ thuộc trường hợp giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Đối với tội hành hạ người khác được hiểu là các hành vi gây đau đớn về thể xác chỉ là những thương tích nhẹ chưa đến mức đáng kể để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc Cố ý gây thương tích theo Điều 123, 134 Bộ luật Hình sự”, luật sư Thơm phân tích.
Cũng theo luật sư Thơm, hành vi phạm tội của nghi phạm đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy cần phải xử lý đối tượng nghiêm minh theo quy định của pháp luật mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm bạo hành trẻ em đang gây bức xúc, phẫn nộ trong xã hội. Hành vi phạm tội của nghi phạm trong cùng một thời điểm đã xâm phạm đến nhiều khách thể Bộ luật Hình sự điều chỉnh đó là quyền được bảo hộ sức khoẻ, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc và tính mạng, sức khỏe của con người.
“Về nguyên tắc khi định tội danh, cần áp dụng khách thể cao nhất để xử lý người phạm tội. Trong vụ việc cháu bé 8 tuổi bị bạo hành tử vong thì cần thiết phải áp dụng khách thể cao nhất bị xâm phạm là tính mạng, sức khỏe của cháu bé. Do đó, quan điểm của luật sư cần thiết phải xử lý nghi phạm về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng bản chất và lý luận pháp luật; Đáp ứng ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, mamg lại niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật”, luật sư Nguyễn Anh Thơm kiến nghị.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; c) Đối với 2 người trở lên.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên... |
Thành Lộc - TTTĐ