Không bắt buộc xét nghiệm người đi xe khách

18/10/2021 10:01

Kinhte&Xahoi Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành hướng dẫn tạm thời mới về tổ chức vận tải, trong đó nêu rõ không bắt buộc xét nghiệm y tế với hành khách đi đường bộ, đường sông, đường biển.

Hành khách đi lại bằng phương tiện đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa chỉ phải xét nghiệm khi có biểu hiện ho, sốt, đau họng.

Chỉ xét nghiệm trường hợp sốt, ho…

Hướng dẫn theo các cấp độ: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng màu xanh. Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng màu vàng. Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng màu cam. Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng màu đỏ.

Phạm vi đánh giá cấp độ dịch được đánh giá từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm bảo đảm linh hoạt, hiệu quả.

Với hành khách tham gia giao thông (trừ hàng không, đường sắt) phải đáp ứng các yêu cầu tuân thủ 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của BCĐ Quốc gia phòng, chống COVID-19 và Bộ Y tế.

Về xét nghiệm y tế, Bộ GTVT chỉ yêu cầu xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác, khứu giác, khó thở.

Với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa). Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ.

Trường hợp Chính phủ, BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế ban hành quy định mới về phòng, chống dịch COVID-19 các với đối tượng áp dụng tại hướng dẫn tạm thời này thì thực hiện theo quy định mới.

Taxi được hoạt động tại vùng cấp độ 4

Hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT cũng xây dựng lại phương án tổ chức vận tải đường bộ theo 4 cấp độ dịch.

Theo đó, vận tải hành khách bằng ô tô sẽ được hoạt động với tần suất bình thường trên địa bàn có dịch ở cấp 1 (nguy cơ thấp), cấp 2 (nguy cơ trung bình).

Với địa bàn có dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao), Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên bảo đảm không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách với xe giường nằm).

Về hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh (gồm cả xe buýt), Sở GTVT hai đầu tuyến báo cáo UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện.

Với địa bàn có dịch ở cấp 4, Bộ GTVT yêu cầu dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng ô tô, gồm: Vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, hợp đồng, du lịch (trừ xe công nghệ dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử), vận chuyển học sinh, sinh viên.

Xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử được phép hoạt động không vượt quá 20% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện. Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua địa bàn có dịch ở cấp 4 không được dừng, đỗ.

Riêng hoạt động vận tải hàng hóa được tổ chức hoạt động bình thường ở các cấp độ dịch; lái xe, người đi theo xe phải đáp ứng các yêu cầu theo đúng quy định của hướng dẫn.

Với vận tải nội bộ bằng ô tô, hoạt động vận chuyển hàng hóa được tổ chức ở các cấp độ dịch. Hoạt động chở khách được hoạt động bình thường ở cấp 1, cấp 2; hoạt động theo hướng dẫn của Sở GTVT điểm đi, điểm đến và có giãn cách chỗ trên phương tiện trên địa bàn cấp 3, cấp 4.

Yêu cầu với bến xe và đơn vị kinh doanh vận tải

Bộ GTVT yêu cầu các bến xe, trạm dừng nghỉ, nơi xếp dỡ hàng hóa xây dựng triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách, xếp dỡ hàng hóa bảo đảm an toàn theo các quy định về phòng, chống dịch; bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; bố trí vị trí để lực lượng chức năng tổ chức test nhanh COVID-19; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời bảo đảm thông thoáng.

Đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô phải xây dựng triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và quy định về phòng, chống dịch COVID-19; nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, cấp dịch do địa phương công bố.

Đồng thời, yêu cầu lái xe chạy đúng hành trình và chỉ dừng, đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) và đón, trả khách tại các địa điểm theo quy định; theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển; tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải; tự tổ chức xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên cho người của đơn vị mình.

Với vận tải khách, trường hợp có hành khách đi từ địa bàn có dịch ở cấp 4 phải lập danh sách hành khách đi xe; giao lái xe, nhân viên phục vụ trên xe hướng dẫn hành khách tự kê khai; sao gửi danh sách hành khách đi xe về Sở GTVT…

Chưa áp dụng đối với hàng không và đường sắt

Bộ GTVT cho biết, hướng dẫn tạm thời mới này chỉ điều chỉnh các quy định tổ chức vận tải với 3 lĩnh vực đường bộ, hàng hải và đường thủy nội địa.

Riêng hàng không và đường sắt tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành cho đến 20/10 (với hàng không là Hướng dẫn 1776 và 1786; đường sắt là Quyết định 1782).

Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không và Cục Đường sắt có báo cáo sơ kết, đánh giá thời gian thực hiện thí điểm tổ chức vận tải hành khách, đồng thời đề xuất phương án, kế hoạch tổ chức thực hiện giai đoạn tiếp theo; khẩn trương báo cáo Bộ để xem xét, đánh giá và báo cáo BCĐ Quốc gia xem xét, quyết định.

Bộ GTVT khẳng định, hướng dẫn tạm thời mới nhằm bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128/NQ-CP, hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 4800. Đồng thời, bảo đảm sự chủ động, thống nhất, đồng bộ giữa Bộ GTVT, Y tế, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh thành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Văn Sơn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Hơn 1.643 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến ngày 16/10/2021, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội, huy động xã hội hoá để hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.643,968 tỷ đồng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/khong-bat-buoc-xet-nghiem-nguoi-di-xe-khach-d168869.html