Kiểm tra giám sát định kỳ, đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trường học

17/09/2022 20:13

Kinhte&Xahoi Bếp ăn tập thể tại các trường học tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng. Với khối lượng các bếp ăn rất lớn, đơn vị quản lý sẽ khó phát hiện được cơ sở vi phạm.

Do đó, ngay sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ổn định, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học được ngành Y tế và ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm.

Mong mỏi bữa ăn dinh dưỡng, an toàn

 Bắt đầu năm học mới, chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh luôn là vấn đề khiến nhiều phụ huynh quan tâm lo lắng.

Chị Phạm Hồng Loan (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Con tôi rất lười ăn, sức khoẻ lại kém, con cũng rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá. Do đó, tôi mong mỏi bữa ăn bán trú cho con tại trường phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì nếu khâu chế biến hay nguồn gốc thức ăn không đảm bảo, con tôi cũng như nhiều học sinh trong trường rất dễ bị ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ”.

Học sinh trường Tiểu học Vạn Bảo (quận Hà Đông) ăn bán trú tại bếp ăn tập thể của trường

Ngoài nỗi lo về an toàn thực phẩm, anh Nguyễn Thành Long (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về chất lượng dinh dưỡng của các bữa ăn bán trú.

Anh Long cho biết: “Tôi thấy trước đây đã xảy ra nhiều vụ việc, trường lên thực đơn cho trẻ rất nhiều món ăn ngon, đủ dinh dưỡng nhưng món ăn thực tế lại vừa ít, vừa không phong phú. Đặc biệt, với nhiều trường, thực đơn lại quá nhiều món chiên, rán. Trong khi các cháu đang tuổi phát triển, những bữa ăn nghèo nàn thiếu chất sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao, cân nặng cũng như thể chất của trẻ”.

Từ thực tế ấy, nhiều phụ huynh kỳ vọng đối với công tác ăn bán trú, Ban giám hiệu các nhà trường phải thể hiện được trách nhiệm, sát sao kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nơi sản xuất, công ty cung cấp một cách thường xuyên chứ không phải chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới xem xét đến hợp đồng, trách nhiệm.

Đáp lại sự kỳ vọng của phụ huynh, tại nhiều nhà trường, công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn bán trú được thực hiện đầy kỹ lượng và có tinh thần trách nhiệm. Việc giám sát được phối hợp giữa Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường cũng như đại diện Ban phụ huynh.

Đại diện cha mẹ học sinh sẽ được kiểm tra đảm bảo định lượng suất ăn, tươi ngon theo đúng yêu cầu và có kiểm định an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, đại diện ban phụ huynh có thể kiểm tra về quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bếp ăn một chiều, các điều kiện về bếp ăn, vệ sinh đồ dùng, dụng cụ nhà bếp... và vệ sinh môi trường xung quanh nơi công ty thực hiện nấu ăn, chế biến thức ăn cho trường học.

Thông qua những buổi giám sát như vậy, ban chỉ đạo công tác ăn bán trú của các trường cũng đã kịp thời góp ý cho các công ty một số nội dung để công tác phục vụ suất ăn bán trú cho học sinh nhà trường được đảm bảo vệ sinh, chất lượng bữa ăn tốt hơn.

Chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ

 Trước thềm năm học mới 2022- 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt là an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú.

Đoàn kiểm tra bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường sẽ tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Sở yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể phải đảm bảo đủ các điều kiện an toàn thực phẩm và tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn, nhà ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố an toàn thực phẩm trong nhà trường.

Trong các năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó trưởng Phòng Y tế quận Đống Đa cho biết: Ngay từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, quận đã xây dựng các kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên đã đánh giá được thực trạng cũng như điều kiện của các trường, từ đó có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn thực phẩm tốt nhất cho học sinh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào các trường học, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm khắc các đơn vị vi phạm.

Đối với các nhà trường cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị chế biến thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ công tác vệ sinh cá nhân, chế biến thực phẩm theo quy định; phát huy mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm... Đặc biệt, các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn…

Đánh giá về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học thời gian qua, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, để quản lý chặt chẽ khối lượng bếp ăn tập thể khá lớn trên địa bàn thành phố, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã phân cấp đối với tuyến quận, huyện, quản lý bếp ăn ở các trường THPT, tiểu học, mầm non.

Nếu phát hiện vi phạm, sẽ dựa vào Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ để xử lý. Qua đó, các đơn vị không lưu mẫu thức ăn sẽ bị xử phạt hành chính tới 8 triệu đồng. Thời gian qua, Chi cục ATVSTP Hà Nội chưa phát hiện đơn vị vi phạm.

“Hiện nay, đã có 10 quận, huyện và 215 trường tham gia mô hình kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể. Sau khi tham gia được 1 học kỳ (học kỳ 2 năm học 2021 - 2022), các trường đã tiến hành kiểm tra, đánh giá. Đến cuối năm học 2022 - 2023, nếu mô hình hoạt động tốt, hiệu quả, Chi cục sẽ tham mưu UBND TP nhân rộng mô hình này. Qua quá trình kiểm tra, đánh giá, cơ bản các trường, đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện mô hình tương đối tốt”, ông Phong nhấn mạnh.

Hà Nội hiện có khoảng 4.526 cơ sở giáo dục, trong đó có 4.538 bếp ăn tập thể và căng tin trường học.

Trong số 4.538 trường học trên có 3.736 trường khối mầm non, 535 trường tiểu học, 200 trường trung học cơ sở và 67 trường trung học phổ thông. Số trường tự tổ chức nấu ăn chiếm 87%. 484 trường còn lại liên kết ký hợp đồng với nhà thầu và 87 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn đưa từ bên ngoài vào.

Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn (trung bình khoảng 480 - 500 suất ăn/ngày/trường). 

 Ngọc Minh- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Điều chỉnh một số tuyến buýt phục vụ thi công ga S12

Trong thời gian thi công công trình thi công ga S12 - giai đoạn 2 (trên phố Trần Hưng Đạo) thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramoc) điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt.

Thanh niên tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số

“Vai trò tiên phong của Đoàn Thanh niên trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số” là chủ đề diễn đàn do Thành đoàn Hà Nội phối hợp với trường Đại học Bách khoa tổ chức chiều 16/9. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kiem-tra-giam-sat-dinh-ky-dam-bao-an-toan-thuc-pham-bua-an-ban-tru-truong-hoc-205956.html