Kiến nghị của cử tri 3 quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân sẽ được xem xét giải quyết kịp thời

28/04/2022 12:27

Kinhte&Xahoi Sáng 28-4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở 32 điểm cầu UBND cấp quận và các phường thuộc 3 quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và một số sở, ngành của thành phố dự tại điểm cầu UBND quận Cầu Giấy.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND quận Cầu Giấy.

Kiến nghị nhiều nội dung về đời sống dân sinh

Sau khi đại diện tổ đại biểu Quốc hội thành phố báo cáo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đa số cử tri đều đồng tình cao với chương trình, nội dung kỳ họp tới, đặc biệt là phần trả lời các kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước. Đồng thời, cử tri cũng kiến nghị các vấn đề quan tâm liên quan đến đời sống dân sinh, y tế, giáo dục, quản lý đất đai, thúc đẩy các dự án “treo”…

Cử tri Nguyễn Ngọc Tuấn (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đề nghị Quốc hội có nghị quyết về đánh giá tổng rà soát về kết quả triển khai việc thực hiện kế hoạch sử dụng và quy hoạch sử dụng đất hiện nay. Đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các xã, huyện chuyển thành phường, quận theo nghị quyết của Quốc hội đã hơn 20 năm chưa chuyển đổi thành đất đô thị, vẫn là đất nông nghiệp gây khó khăn cho việc khai thác, sử dụng của người dân. Cùng với đó, Quốc hội có giải pháp giải quyết các bất cập về quản lý các dự án “treo”, cụ thể là dự án “Khu đô thị thành phố giao lưu”.

Cử tri Vũ Công Đăng (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) đề nghị xem xét khu vực quy hoạch hành lang bảo vệ sông Nhuệ thuộc các phường Cầu Diễn, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); nếu đủ điều kiện thì thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân và cho phép các hộ dân được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng nhà ở.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Tiến Hưng (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ dự án đất giãn dân trên địa bàn các phường Xuân Phương, Phương Canh triển khai từ những năm 2001, năm 2011 đã thu tiền của nhân dân nhưng hiện chưa triển khai do vướng mắc về chính sách.

Cử tri Đặng Diễm Lệ (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý một số cơ sở kinh doanh thực phẩm không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả, hàng kém chất lượng được “phù phép” thành hàng nhập khẩu bán trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Cử tri Nguyễn Thị Oanh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) kiến nghị các vấn đề quan tâm.

Cử tri Nguyễn Thị Oanh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đề nghị thu hồi hoặc chuyển đổi cho các chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện các dự án đã được giải phóng mặt bằng từ 10, 20 năm chưa triển khai, gây lãng phí, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Cụ thể là các dự án N14, N15, N17, N18 đường Lê Văn Lương; Công viên hồ điều hòa khu Nam Trung Yên, dự án 218 Trần Duy Hưng, dự án 48 Trần Duy Hưng…

Ngoài ra các cử tri cũng kiến nghị các cấp về việc quận Thanh Xuân được tiếp nhận, bàn giao 2 trường Mầm non Hoa Mai, Mầm non Mùa Xuân trên địa bàn phường Khương Mai từ đơn vị quân đội về quận quản lý; có chính sách công khai minh bạch thu nhập của cán bộ giữ chức vụ cao của Nhà nước...

Điểm cầu tại quận Nam Từ Liêm.

Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà thay mặt lãnh đạo quận tiếp thu, giải trình các vấn đề thuộc thẩm quyền của quận Cầu Giấy. Đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn quận mà cử tri đề cập, Phó Chủ tịch UBND quận khẳng định, các dự án chậm triển khai trên địa bàn phường Trung Hòa cử tri nêu đã được thành phố tạm dừng từ năm 2020; một số dự án đang rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị để báo cáo với thành phố và cử tri.

Phát biểu tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, việc tồn tại đất nông nghiệp trong các phường là bất cập. Vì quan điểm từ xã thành phường thì cũng cần quy hoạch đồng bộ chính sách về sử dụng đất đô thị, song liên quan đến lịch sử, nguồn gốc đất nên việc xác nhận có khó khăn, nên chậm. Thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo rà soát, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng tiếp thu, trả lời các ý kiến liên quan đến dự án “Khu đô thị thành phố giao lưu”, khu vực quy hoạch hành lang bảo vệ sông Nhuệ thuộc hai phường Cầu Diễn, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); nêu một số những vướng mắc chậm triển khai Công viên hồ điều hòa khu Nam Trung Yên, dự án 218 Trần Duy Hưng, dự án 48 Trần Duy Hưng…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố.

Phát biểu tiếp thu các vấn đề cử tri nêu, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, đánh giá cao 11 ý kiến của cử tri phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, đồng thời khẳng định đây là những nội dung, vấn đề lớn kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua. Thông tin thêm về kỳ họp thứ ba tới của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nhiều nội dung, các dự án Luật; đặc biệt là xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Để cử tri nắm bắt thêm về tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm thích ứng, linh hoạt, an toàn. An sinh xã hội được bảo đảm. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Trung ương, HĐND thành phố đã kịp thời ban hành các nghị quyết hỗ trợ thêm các đối tượng. Đến nay, thành phố đã thực hiện chiến lược vắc xin với tỷ lệ tiêm mũi 3 và đang triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiếp tục tập trung tiêm đại trà...

Thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, như: Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, đồng thời, đề xuất ban hành nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; triển khai lập quy hoạch thành phố, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết thi hành Luật Thủ đô và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng sửa đổi Luật; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4…

Ngoài ra, thành phố cũng đang quyết liệt thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Đặc biệt, vừa qua, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết quan trọng về 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về giường bệnh/vạn dân, tu bổ di tích, chăm lo cơ sở vật chất giáo dục và thành phố cũng sẽ chú trọng vào chất lượng, quản lý sau đầu tư và việc tu bổ các di tích bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Mới đây, HĐND thành phố cũng tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao. Chủ tịch HĐND thành phố hy vọng sự lan tỏa tinh thần đổi mới của các cơ quan dân cử từ thành phố tới cơ sở thời gian tới.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tiếp thu các kiến nghị thuộc thẩm quyền Quốc hội để tổng hợp báo cáo tại kỳ họp.

Về các ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị lãnh đạo các quận và UBND thành phố tiếp thu, rà soát, tổng hợp, phân loại để chuyển tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu đáo, hiệu quả. Đặc biệt, đối với các dự án chậm triển khai, thành phố đã có các giải pháp, vì thế tới đây các quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt để triển khai giải pháp xử lý dứt điểm...

Nhấn mạnh trong tháng 5-2022, thành phố sẽ diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), đây là điều kiện, cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh của Thủ đô và cả nước, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các quận chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông, làm đẹp cảnh quan đô thị.

Vũ Thủy - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội sẵn sàng đón ngày hội lớn của thể thao Đông Nam Á

Chỉ còn 15 ngày nữa, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ chính thức diễn ra. Với vai trò là địa phương tổ chức, đến thời điểm này Hà Nội đã cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng với quyết tâm “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế về một SEA Games 31 mang đậm dấu ấn Việt Nam,về một Hà Nội mến khách, ưa chuộng hòa bình, về một Thủ đô văn minh, hiện đại, thanh lịch và hào hoa.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1030593/kien-nghi-cua-cu-tri-3-quan-nam-tu-liem-cau-giay-thanh-xuan-se-duoc-xem-xet-giai-quyet-kip-thoi