Kinh nghiệm tự chủ của các trường đại học

05/08/2022 09:30

Kinhte&Xahoi Tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 diễn ra ngày 4/8, các ý kiến, tham luận của chuyên gia đều khẳng định, tự chủ đại học đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống giáo dục đại học nói chung và các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập nói riêng; đồng thời giải phóng được sức sáng tạo của nhà trường.

Đổi mới quản trị là giải pháp then chốt

 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học sớm thực hiện cơ chế tự chủ đại học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường chủ động đổi mới mọi mặt hoạt động, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy năng lực và thế mạnh nội tại để thúc đẩy tăng trưởng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ.

Quang cảnh hội nghị

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm triển khai tự chủ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho hay, nhà trường thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025, với 5 mục tiêu và 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm (2021-2025); Trong đó đổi mới quản trị là giải pháp then chốt.

“Quan điểm của chúng tôi là, lấy Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học làm trung tâm”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng trao đổi.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, người thầy được tạo điều kiện tối đa để phát triển giảng dạy và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững; Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế thương hiệu trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng cho người học.

Chìa khóa để thành công

 Trong bài tham luận của mình, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT nhìn nhận, việc thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là xu hướng toàn cầu, thậm chí còn có cả ý kiến kêu gọi không đưa tên các trường đại học ở các quốc gia có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Đặt vấn đề, nếu như đại học không tự chủ thì làm sao tạo lập được môi trường đổi mới và đào tạo được lớp người có tư duy sáng tạo; TS Lê Trường Tùng cho rằng, nếu như không được đào tạo trong môi trường đổi mới sáng tạo thì làm sao sinh viên sau này có thể cạnh tranh bởi sự khác biệt, làm sao có tư duy làm tốt, làm tốt hơn, làm sao vượt lên khỏi các công việc mang tính quy trình sẽ là việc dành cho robot và trí tuệ nhân tạo sau này.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT

"Hiện nay, khi bàn về tự chủ trong giáo dục đại học, chất lượng thường là yếu tố được nhấn mạnh. Tuy nhiên trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nên chăng mục tiêu chiến lược kết hợp hài hòa giữa chất lượng, số lượng và hiệu quả” - TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) nhìn nhận, thực tế cho thấy, tự chủ đại học đã trở thành nhu cầu tự thân, xu thế tất yếu và có tính khách quan. Tự chủ đại học vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Nhấn mạnh, “chìa khóa” để thành công trong tự chủ đại học là các cơ sở GDĐH cần phải có được nhận thức đúng đắn về tự chủ đại học; PGS. TS Bùi Anh Tuấn trao đổi: Thứ nhất, các cơ sở GDĐH cần có nhận thức đúng đắn, phù hợp về vai trò của tự chủ đại học đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh mới.

Cần phải coi tự chủ đại học là một xu thế tất yếu cho sự phát triển và sẽ là xu thế chủ đạo trong thời gian tới. Để làm được điều này, cần nhanh chóng thay đổi tư duy của viên chức và lãnh đạo trong các cơ sở GDĐH công lập.

Thứ hai, các cơ sở GDĐH cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học. Tùy vào tình hình cụ thể của cơ sở GDĐH mà các vị trí này cần phải được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, đảm bảo sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của cơ sở GDĐH.

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Vận động nhà dân mở "lối thoát nạn thứ 2" đề phòng cháy nổ

TP Hà Nội yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là việc vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải mở "lối thoát nạn thứ 2".

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kinh-nghiem-tu-chu-cua-cac-truong-dai-hoc-202717.html