Kỳ vọng nhiều đổi mới trong năm học 2019-2020

05/09/2019 10:22

Kinhte&Xahoi Hôm nay (5/9), hơn 20 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) trong cả nước bước vào năm học 2019-2020 - năm học bản lề mang đậm dấu ấn đổi mới, tạo tiền đề và động lực, niềm tin cho giai đoạn phát triển, đổi mới tiếp theo của giáo dục. Đó là kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, cũng là mong mỏi của xã hội khi bước vào năm học mới.

Cô và trò Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (quận 9, TP.HCM) hân hoan trong ngày khai giảng và khánh thành trường sáng 4/9.

Đổi mới từ lễ khai giảng

Từ nhiều năm nay, cứ hễ chuẩn bị bước vào năm học mới, thì câu chuyện về lễ khai giảng với phần lễ và phần hội rườm rà dành cho “người lớn” với những bản thành tích, khẩu hiệu rập khuôn năm nay qua năm khác lại xuất hiện. Trong khi đó, ngày khai giảng phải là một ngày vui với những kỷ niệm đẹp và náo nức bước vào năm học mới, chứ không phải sự mệt mỏi…

Nhằm thay đổi thực tế này, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2018, Bộ đã chỉ đạo tinh giản các thủ tục trong ngày khai giảng để tạo sự hào hứng cho học sinh, đặc biệt học sinh đầu cấp.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số trường vẫn tổ chức các hoạt động vì người lớn, chưa thực sự quan tâm đến mong muốn của học sinh, vì học sinh. Năm nay, Bộ đã ký văn bản hướng dẫn năm học với tinh thần đổi mới, đề nghị các trường tổ chức phần lễ đơn giản, tăng phần hội, chú trọng lễ đón học sinh đầu cấp. Bộ cũng lưu ý các trường không đọc báo cáo tốn thời gian, gây mệt mỏi cho học sinh.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức, một trong ba vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chính là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục trong năm học mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các trường tập trung giáo dục đạo đức học sinh. Đó là trách nhiệm của tất cả giáo viên, không phải là chuyện của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn Giáo dục công dân như trước.

Theo đó, giáo dục đạo đức không phải là những chuyện cao siêu mà lấy gương người tốt việc tốt ngay trong trường học, lớp học xung quanh mình. Trường học cũng kết nối với phụ huynh để giáo dục học sinh, tránh tình trạng khoán gọn cho nhà trường. Đề nghị huy động toàn xã hội cùng chung tay giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Và từ góc độ thực tế, PGS. TS Toán Chu Cẩm Thơ cho rằng  hiện nay trong nhà trường, nhiều thầy cô đang hiểu không đúng về giáo dục đạo đức cho học sinh chỉ ở 2 môn học đạo đức hay Giáo dục công dân. Thực tế, hai môn học đó chỉ giúp học sinh có hiểu biết về đạo đức. Còn rèn luyện đạo đức thì không chỉ có trách nhiệm của môn học này.

Trong khi đó, việc học tập tốt nhất bắt đầu từ giáo dục thái độ và đó cũng là một phần rèn luyện đạo đức… Mong rằng, ở năm học mới 2019-2020 sẽ không còn tình trạng nhiều thầy cô than phiền, dạy văn hóa đã hết thời gian rồi, quá mệt mỏi rồi, việc giáo dục đạo đức xin dành cho gia đình…

Cả nước sẵn sàng cho năm học mới

Tại Thủ đô, trước thềm năm học mới, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian khai giảng năm học mới 2019-2020. UBND TP giao Sở GTVT tăng cường kiểm tra, xử lí nghiêm vi phạm đối với xe hợp đồng, xe buýt trong việc đưa đón học sinh đến trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh đến trường.

Giao Sở GTVT, Công an TP tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày khai giảng. Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lí nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông…

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT, UBND các quận huyện thị xã được giao rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết để xây dựng nhà vệ sinh trường học tại các đơn vị, trong đó nêu rõ số lượng cần xây mới, số lượng cần cải tạo sửa chữa và lộ trình thực hiện. Đồng thời báo cáo UBND TP chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Tại các tỉnh phía Nam, năm học 2019-2020, TP.HCM tăng hơn 75 ngàn học sinh, để đảm bảo 100% chỗ học cho con em trên địa bàn, TP đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới. UBND TP.HCM đã ban hành chỉ thị năm học.

Trong đó yêu cầu ngành chủ động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ, chính trị chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ; Đột phá trong cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông; Nâng cao chất lượng GD theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế...

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cũng đã tập trung tháo gỡ khó ngay từ đầu năm học. Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Năm học mới, tỉnh có thêm 3 công trình trường mới, đó là Trường THPT Đốc Binh Kiều, Trường THCS - THPT Tân Mỹ và Trường THPT Cao Lãnh 2. Ngân sách của tỉnh chi khoảng 4,5 tỷ đồng để sửa chữa trường học. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chi khoảng 35 tỷ đồng sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị cho ngành giáo dục”.

Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân lưu ý ngành Giáo dục địa phương về vấn đề biên chế giáo viên. “Chủ trương của tỉnh là tiếp tục sắp xếp trường lớp, sắp xếp giáo viên một cách hợp lý, ngăn nắp, ổn định, không nên cứng nhắc, ồ ạt.

Sắp xếp cán bộ, giáo viên không được nóng vội, tuyệt đối phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, phù hợp với pháp luật… Năm học 2019 - 2020, toàn thể cán bộ, giáo viên trong ngành luôn trong tư thế sẵn sàng cho Chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Quân cho biết...


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhức nhối vi phạm trật tự đô thị xung quanh khu vực hồ Tây

Sau nhiều tháng hoàn thành việc cải tạo, lát mới vỉa hè theo tiêu chuẩn quy định thiết kế mẫu vỉa hè đường phố đô thị của UBND thành phố Hà Nội, khu vực đường đi dạo, vườn cây xung quang hồ Tây đã bị chiếm dụng trở lại làm nơi để xe, kinh doanh, buôn bán trái quy định.

Hà Nội: Tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thực diện Di chúc của Bác Hồ

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật mang tựa đề “Hồ Chí Minh sáng mãi tên Người” sẽ được diễn ra vào lúc 9h ngày 30/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Nguồn: Pháp luật Plus