Lựa chọn nào cho thí sinh không đỗ vào lớp 10 công lập?

10/07/2022 07:35

Kinhte&Xahoi Với tính cạnh tranh gay gắt khi chỉ có khoảng trên 60% thí sinh “có suất” vào công lập, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội luôn là một kỳ thi vô cùng căng thẳng, khiến phụ huynh, thí sinh đều “đau tim”.

Tuy nhiên, không đỗ vào công lập không phải là điều gì đó quá to tát, các em còn rất nhiều lựa chọn phù hợp với mình.

Hãy quên đi tiếc nuối!

Với 1 thành phố lớn, dân số cơ học không ngừng tăng qua các năm như Hà Nội, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nào cũng là một sự kiện lớn khiến phụ huynh, học sinh thấp thỏm mong chờ. Cả quá trình từ khi công bố số môn thi, ngày thi, ôn thi, chờ thi và chờ điểm, bao gia đình đứng ngồi không yên.

Thí sinh được phụ huynh đưa đến tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023

Ở góc nhìn của một người mẹ, chị Trần Thị Minh Phương có con thi vào lớp 10 năm học này chia sẻ: “Khi có tới gần 40% số thí sinh không có “suất” vào công lập thì việc “đỗ - trượt” với thí sinh không còn là vấn đề quá nghiêm trọng. Xác định tư tưởng ấy nên từ rất sớm, chúng tôi đã tìm một trường ngoài công lập phù hợp với khả năng tài chính của gia đình và lực học của con để làm thủ tục nhập học”.

Không đề ra mục tiêu “bằng mọi giá phải đỗ vào trường công” nên chị Nguyễn Kim Cúc (Cầu Giấy, Hà Nội) khá thoải mái tư tưởng khi con được tới 41 điểm mà vẫn trượt THPT Yên Hòa (Cầu Giấy).

Chị Cúc tâm sự: “Dù có chút tiếc nuối nhưng tôi không căng thẳng. Quan trọng là con đã cố gắng hết sức và đạt điểm không phải là thấp. Với lực học của con, còn rất nhiều trường ngoài công lập có chất lượng tốt đang rộng cửa đón chào”.

Chị Cúc cũng bày tỏ quan điểm: “Nhiều cha mẹ lo lắng, suy sụp, thất vọng khi con không may trượt vào công lập là tự làm khó mình và làm khổ con. Hơn ai hết, cha mẹ là người hiểu con, hiểu lực học của con. Vì vậy, việc định hướng đúng cho con là vô cùng quan trọng. Đừng khiến con trẻ trở nên bơ vơ, lạc lõng vì sự sĩ diện của bản thân”.

Theo các thầy, cô giáo của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, điểm là yếu tố quan trọng trong tất cả các kỳ thi nhưng con số này có thể thay đổi nếu học sinh có phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Do đó, khi học cấp 3, học sinh nên tập trung trau dồi kỹ năng, xác định mục tiêu và phương pháp học tập đúng đắn. Phụ huynh nên là người đồng hành, vực dậy tinh thần cho con trong thời điểm này, vì chặng đường phía trước của các con là quan trọng nhất.

“Đối với học sinh, dù có nuối tiếc nếu không đỗ vào lớp 10 công lập, các em cũng nên nhanh chóng vượt qua những cảm xúc này, tự hào vì đã làm tốt nhất trong khả năng của mình, giữa những khó khăn khi phải học tập, ôn luyện và thi cử trong thời điểm dịch bệnh. Thay vì tuyệt vọng vì điểm thi thấp hay không như ý, các em hãy nỗ lực hết mình, sẵn sàng chuẩn bị cả về tinh thần, sức khỏe và kiến thức cho khoảng thời gian học tại ngôi trường cấp III, dù học ở môi trường nào” - giáo viên này chia sẻ.

Hà Nội có 109 trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập

Vẫn như các năm học trước, ở đợt tuyển sinh năm nay, các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh học sinh vào lớp 10.

Hội đồng tuyển sinh các nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh căn cứ vào điểm xét tuyển của học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên; Kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó và các quy định khác của Quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.

Căn cứ tình hình thực tế, các nhà trường đã xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023. Theo đó, toàn thành phố có 109 trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập tuyển sinh học sinh lớp 10. Hầu hết các trường đều có áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cấp THCS của học sinh để tuyển sinh.

THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập được tuyển học sinh vào lớp 10 là những học sinh cư trú tại Hà Nội (có xác nhận cư trú tại địa bàn của công an cấp phường, xã, thị trấn), không phân biệt khu vực tuyển sinh.

Vì vậy, nếu không đỗ lớp 10 công lập, các em học sinh vẫn còn rất nhiều cơ hội ở các con đường khác. Những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp cũng được nhiều học sinh lựa chọn. Là 2 trong số hàng trăm học sinh học hệ 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, em Nguyễn Đắc Huynh và Phạm Đình Mạnh Quân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ngay khi theo học năm đầu tiên tại Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Em Phạm Đình Mạnh Quân từng chia sẻ: “Em xác định ngay từ đầu, tốt nghiệp chương trình học THCS, em sẽ học nghề”. Khi đăng ký theo học tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, hệ 9+ đã giúp Quân được học song song cả văn hóa và nghề.

Năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm ngoái. Các trường THPT tuyển vào lớp 10 là 104.000 học sinh. Trong đó có 77.000 học sinh vào trường công lập, số còn lại vào trường tư thục.

Như vậy, sẽ chỉ có 60% học sinh có cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lua-chon-nao-cho-thi-sinh-khong-do-vao-lop-10-cong-lap-200678.html