Lúng túng với hai từ…dâm ô

28/05/2019 14:40

Kinhte&Xahoi Có thể nói, tội dâm ô lần đầu được thể chế hóa tại “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục“ (số 329 - HS2 ngày 11/5/1967 của TAND tối cao). Thế nhưng, cho đến nay, hiểu thế nào cho đúng, cho đầy đủ về hai chữ “dâm ô” vẫn làm đau đầu các nhà làm luật.

Cưỡng hôn phạt… 200 nghìn đồng

Có thể nói, chưa bao giờ các trang mạng xã hội, trên các facebook, các fanpage, youtube... lại chia sẻ những status thể hiện sự phẫn nộ trước những hành vi dâm ô trẻ em và phụ nữ như hiện nay.

Cháu bé bị Nguyễn Hữu Linh đụng chạm vào cơ thể ở TP.HCM.

Trong số đó, có thể kể đến“kỳ án” 200 nghìn đồng trong vụ “cưỡng hôn”một phụ nữ trong thang máy ở Hà Nội. Sự việc xảy ra vào khoảng 22h ngày 4/3 tại thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân).

Nạn nhân trong vụ việc là chị P.H.V. (20 tuổi, sinh viên trú tại chung cư trên). Khi chị V. vào thang máy để lên phòng đã bị Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, quê Hải Phòng)“cưỡng hôn”, bị trầy xước ở mũi và tay, tinh thần hoảng loạn. Sự việc gây bức xúc.

Tuy nhiên, công an quận Thanh Xuân xác định, hành vi của Hùng không cấu thành tội phạm. Căn cứ vào khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013NĐ-CP, đối tượng Hùng chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền “vỏn vẹn” 200 nghìn đồng.

Gần hơn, ngày 22/5 vừa qua, VKSND quận 4 (TP.HCM) đã hoàn tất cáo trạng vụ Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4) và chuyển hồ sơ sang TAND quận 4. Ông Linh bị truy tố theo khoản 1, Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội“Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

Trước đó, khoảng 21h ngày 1/4, ông Linh đi vào thang máy tại chung cư Galaxy 9. Lúc này, có một bé gái đang sinh sống tại chung cư cũng đi vào thang máy để lên nhà và nhờ bảo vệ bấm thang máy. Sau khi cửa thang máy đóng lại, Linh đã ôm hôn, sờ vào má, sờ vào đùi… bé gái.

Toàn bộ sự việc được camera an ninh chung cư ghi lại và đoạn clip phát tán trên mạng gây phẫn nộ dư luận. Điều đáng nói, ông Linh nguyên là Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng, từng là trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thuộc Viện KSND TP.Đà Nẵng.

Người này nghỉ hưu từ tháng 6/2018 và gia nhập Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng vài tháng trước khi xảy ra vụ việc. Việc một người từng giữ chức vụ cao trong cơ quan tố tụng, am hiểu về phạm luật nhưng lại có hành vi đáng xấu hổ đã thổi bùng sự phẫn nộ của dư luận.

Mới đây nhất, vào ngày 20/5, trên mạng xã hội facebook đăng thông tin kèm hình ảnh 2 thanh niên lạ mặt có hành vi không đúng với một cô gái mặc váy trong thang máy tại chung cư Simona (đường Hoàng Văn Thụ, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Quản lý chung cư này đã dán thông báo có kèm hình ảnh về sự việc trong nội bộ để mọi người đề phòng. Theo trích xuất camera an ninh của tòa nhà Block A chung cư Simona, vào lúc 21h56 ngày 13/5, có 2 thanh niên với hành vi bất thường đứng trước cửa thang máy của chung cư.

Đến 21h57, một thanh niên mặc áo đen, quần lửng kẻ sọc trắng vào thang máy cùng với một cô gái mặc váy hoa. Nam thanh niên đã có hành động quỳ hẳn xuống sàn thang máy để ngó đầu nhìn vào bên trong váy của cô gái. Lúc này, trong thang máy chỉ có nam thanh niên và cô gái.

Ngay sau khi thông tin được lan truyền trên mạng xã hội, Công an TP.Quy Nhơn đã xác định được danh tính người có hành vi quỳ xuống sàn thang máy nhìn ngược vào bên trong váy cô gái là một thiếu niên 16 tuổi (ngụ phường Ngô Mây, TP.Quy Nhơn).

Cô gái này 23 tuổi, là cư dân chung cư Simona. Tại cơ quan công an, thiếu niên này khai, tối ngày 13/5 có đến chơi nhà bạn tại chung cư Simona. Trong lúc đi thang máy thì bị rơi một chiếc nhẫn nên cúi xuống tìm, chứ không cố ý nhìn hay quấy rối cô gái đi cùng thang máy.

Tuy nhiên, thiếu niên này cũng tự nhận thấy hành vi đó là khiếm nhã nên đã đến nhà xin lỗi gia đình cô gái. “Sự việc chưa đến mức độ nghiêm trọng nên bước đầu chúng tôi chỉ mời thiếu niên 16 tuổi đó lên giáo dục; đồng thời đề nghị gia đình giáo dục thêm. Qua làm việc, thiếu niên này cũng đã nhận lỗi về phần mình và xin lỗi gia đình cô gái”, đại diện lãnh đạo Công an TP.Quy Nhơn cho biết.

Hình ảnh nữ sinh V. bị Hùng sàm sỡ, ép để hôn trong thang máy.

Còn khoảng trống

Tại buổi tọa đàm “Thang máy chung cư: Tiện ích hay cạm bẫy” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức vào ngày 4/4 ở Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có các thiết chế về mặt pháp luật để bảo vệ an toàn cho trẻ em và phụ nữ.

Theo bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA, đã đến lúc cần phải xem xét lại tiêu chuẩn chung cư đáng sống, trong đó đã có tiêu chuẩn an toàn cho phụ nữ, trẻ em chưa. Chẳng hạn như cần phải có là những cảnh báo an toàn trong thang máy, số điện thoại hoặc cách gọi hỗ trợ khi cần thiết…

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc xã hội cùng lên án các sự việc xâm hại phụ nữ, trẻ em như vừa qua cho thấy, nhận thức xã hội và ý thức về quyền bình đẳng của con người đã thay đổi.

Nếu như trước kia chắc chắn các sự việc này sẽ bị“nhắm mắt cho qua” và dần chìm xuống thì giờ nhận thức của người dân đã khác.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Ngô Anh Tuấn (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, qua việc xử phạt vụ “cưỡng hôn” trong thang máy ở Hà Nội đã thấy rõ những hành vi dâm ô chưa được quy định rõ ràng dẫn đến “kỳ án” 200 nghìn đồng xử phạt gây phẫn nộ và bức xúc đối với dư luận xã hội.

Tội danh dâm ô hiện nay ở mỗi cấp chính quyền, mỗi địa phương chưa có sự thống nhất nên xử lý rất khác nhau. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Tú (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, những quy định xử phạt về tội dâm ô đối với trẻ em hay phụ nữ hiện nay không phải là có khoảng trống, mà là hoàn toàn không hề có, dẫn đến việc xử lý vụ “cưỡng hôn” ở Hà Nội mang tính chất quá nhẹ nhàng.

Theo bà Trần Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong khi quốc tế quy định rất rõ những hành vi dâm ô thì Việt Nam chưa có những quy định cụ thể. Điều này cho thấy, những người làm luật cần phải kịp thời bổ sung để làm sao hạn chế được vấn nạn này.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần quan tâm hơn đó là đức trị. Làm sao để có thể chỉnh đốn được những hành vi ứng xử của mọi đối tượng để không xảy những vụ việc sàm sỡ trong thang máy vừa qua. 

Định nghĩa thế nào là dâm ô?

Theo ông Ngô Cường - Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – TANDTC, trước khi có bộ luật hình sự, việc xét xử các tội phạm hình sự nói chung, tội dâm ô nói riêng được các Toà án xử theo án lệ, theo các Sắc lệnh, Pháp lệnh, theo hướng dẫn của TANDTC.

Tại “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục“ (số 329 - HS2 ngày 11/5/1967 của TAND tối cao), tội dâm ô được hướng dẫn như sau: “Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…).

Can phạm thông thường là đàn ông, nhưng trong một số trường hợp hết sức cá biệt có thể là đàn bà. …dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tròn mức hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù… đối với người lớn từ cảnh cáo đến 1 năm tù".

Năm 1985, Bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta được ban hành đã xoá bỏ tội dâm ô. Ngày 22/5/1997, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung mộtsố điều của Bộ luật hình sự, luật này đã quy định bổ sung Điều 202b về tội dâm ô đối với trẻ em.

Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/ TANDTC - VKSNDTCBNV ngày 02/01/1998 của Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, đã hướng dẫn hành vi dâm ô đối với trẻ em là hành vi như “sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em".

Bộ luật hình sự 1999 đã quy định tội dâm ô đối với trẻ em tại Điều 116 trên cơ sở Điều 202b. Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sửa đổi “Tội dâm ô đối với trẻ em” là “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi“; đồng thời, tội này cùng các tội phạm khác về tình dục (từ Điều 141 đến Điều 145), ngoài khái niệm “giao cấu" còn quy định khái niệm “các hành vi quan hệ tình dục khác", cụ thể như sau: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị…”.

“Giao cấu" được hiểu là hình thức quan hệ tình dục bằng cách đưa bộ phận sinh dục nam vào bên trong bộ phận sinh dục nữ.

“Các hành vi quan hệ tình dục khác“ có thể bao gồm các hình thức quan hệ tình dục như:Quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng (đưa bộ phận sinh dục nam vào miệng của nữ hoặc miệng của nam xâm nhập bộ phận sinh dục nữ), quan hệ tình dục bằng tay, quan hệ tình dục bằng cách liếm bộ phận sinh dục (hoặc là hôn hít bộ phận sinh dục)...

Với cách hiểu “giao cấu và các hành vi quan hệ tình dục khác“ như nêu trên, theo ông Cường thì tất cả các hành vi khác tác động lên nạn nhân nhằm thoả mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô. Tức là chỉsờ soạng lên thân thể nạn nhân đã bị coi là hành vi dâm ô.

Cũng theo vị nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ở Nhật Bản, hành vi sờ soạng lên thân thể người chưa đủ 13 tuổi trở xuống bị coi là hành vi dâm ô đối với trẻ em, hình phạt đối với tội này là từ 6 tháng đến 10 năm tù (Điều 176 BLHS Nhật Bản).

Khó có thể chế định hết các hành vi

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính Pháp) cho biết: “Việc quy định các hành vi vi phạm hành chính, xâm phạm trực tiếp đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người ở Việt Nam hiện nay (được quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) đã không còn phù hợp với xã hội hiện tại, không bao quát được hết các hành vi và mức xử phạt đã không còn đủ sức răn đe, giáo dục chung đối với xã hội”.

Trước thực tế đó, ngày 23/5 vừa qua, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã công bố dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141 về tội hiếp dâm, Điều 142 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 về tội cưỡng dâm, Điều 144 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Điều 145 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 146 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và Điều 147 về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm của Bộ luật Hình sự 2015.

Theo dự thảo Nghị quyết, Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành visau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi.

Cụ thể những hành vi như: Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi; Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn... vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác; Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...).

Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ: qua lớp quần áo).

Dự thảo Nghị quyết cũng cho hay, "Hành vi quan hệ tình dục khác" quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là những hành vi quan hệ tình dục không phải hành vi giao cấu nhưng vẫn nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội (ví dụ: người phạm tội sử dụng tay, chân, lưỡi, miệng, các dụng cụ tình dục hoặc bất cứ công cụ nào khác để kích thích âm đạo, dương vật hoặc hậu môn của người bị hại hoặc người phạm tội đưa bộ phận sinh dục của mình vào miệng hoặc hậu môn của người bị hại nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục). Toàn văn dự thảo đang được đăng tải trên website Chính phủ: www.chinhphu.vn để lấy ý kiến.

"Tụt quần, phanh áo trẻ em ra để nhìn có phải hành vi dâm ô không?"

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội) cho biết, từ thực tiễn điều tra án ở địa phương thấy dự thảo Nghị quyết lần này của Hội đồng thẩm phán TANDtối cao quy định "vừa thừa lại vừa thiếu".

Vị Đại tá công an cho rằng, quy định như vậy thì gặp trẻ con hàng xóm, xoa đầu một cái cũng có thể bị khép vào tội dâm ô. Do đó, quy định "vùng mặt" có thể có lý, nhưng "vùng đầu" cần điều chỉnh lại.Ngược lại, lại có những hành vi dâm ô chưa được liệt kê trong dự thảo, như hành vi nhìn.

"Tụt quần xuống, phanh áo trẻ em ra để nhìn có phải là hành vi dâm ô không? Chúng tôi cũng đã xử lý một vụ án như vậy.Đốitượng thích một cháu bé, đã nhiều lần nằm trên giường ôm, hôn cháu;thậm chí còn tụt quần cháu để nhìn. Đó chính là hành vi dâm ô và thực tế đã diễn ra mà chưa được quy định vào đây", ông Cầu góp ý. 

Theo Pháp luật Plus

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Các em nhỏ đu dây, vượt tường cong rèn thể lực

Hơn 100 em nhỏ đã cùng tham gia vào một chương trình đào tạo đặc biệt mang phong cách rèn luyện quân đội. Điều này giúp các em vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi để chiến thắng chính mình.