Ma trận 'cát tặc' bủa vây huyện Phúc Thọ - Hà Nội

31/10/2018 15:44

Kinhte&Xahoi Mỗi ngày trôi qua, người dân trên địa bàn 2 xã Phương Độ, Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội lại thêm xót xa nhìn hàng ngàn mét vuông đất canh tác khu vực bãi bồi sông Hồng đang dần bị “nuốt" trọn.

Dân kêu cứu “cát tặc” lộng hành

Thời gian qua, trên địa bàn 2 xã Phương Độ, Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, xuất hiện nhiều tàu khai thác cát trên sông Hồng, gây sạt lở trên diện rộng đất nông nghiệp, khiến người dân vô cùng bức xúc vì mất tư liệu sản xuất.

Cát tặc lộng hành khiến người dân khốn khổ.

Mục sở thị tại khu vực sông Hồng thuộc 2 xã kể trên, PV nhận thấy rất nhiều tàu cuốc, tàu hút đang khai thác rầm rộ, diễn ra công khai giữa ban ngày khiến bãi bồi giữa sông Hồng sạt sở nghiêm trọng. Bãi nổi của xã Cẩm Đình đã bị sạt lở đất rất sâu. Nghiêm trọng hơn, có hiện tượng sụt lún phần kè sông và vẫn đang có dấu hiệu lở cục bộ. Người dân mất hàng chục héc ta đất canh tác chỉ còn biết kêu trời.

Được biết, những tàu khai thác cát này thuộc Công ty cổ phần TMS khoáng sản và vật liệu xây dựng Vĩnh Phúc (nay là Công ty cổ phần An Thịnh Vĩnh Lạc - PV). Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Công ty cổ phần An Thịnh Vĩnh Lạc lại sang địa bàn huyện Phúc Thọ khai thác cát?

Người dân địa phương cho biết, tình trạng khai thác cát của công ty này diễn ra khá lâu tại địa bàn huyện Phúc Thọ. Hệ lụy là đất nông nghiệp của người dân đang từng ngày bị sạt lở nghiêm trọng. Mặc dù người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, nhưng đều không có kết quả, chỉ như “ném đá ao bèo”.

Chính quyền xã “lực bất tòng tâm”

Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 6 đến nay, UBND xã Cẩm Đình có nhiều báo cáo nhanh gửi UBND huyện Phúc Thọ, phản ánh về việc khai thác cát trái phép trên sông Hồng tại địa bàn xã ngày càng diễn biến phức tạp.

Cụ thể, tại báo cáo ngày 15/10 của UBND xã Cẩm Đình nêu rõ: “Từ tháng 6 đến nay, UBND xã và các ban ngành đoàn thể xã Cẩm Đình đã có nhiều báo cáo gửi lên cấp trên phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép giữa địa phận xã Cẩm Đình và xã Phương Độ. Cấp trên đã vào cuộc làm việc với UBND xã. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các tàu cuốc, tàu hút vẫn hoạt động bình thường và không có dấu hiệu chuyển biến.

Báo cáo nhanh của xã Cẩm Đình về tình trạng khai thác cát trái phép.

Từ ngày 14/10, qua kiểm tra của cán bộ, lãnh đạo xã và phản ánh của nhân dân, các tàu cuốc, tàu hút đang hoạt động nhộn nhịp trên địa phận xã Cẩm Đình (có 02 tàu cuốc và tàu hút hoạt động liên tục) khiến nhân dân vô cùng bức xúc vì tình trạng này tiếp diễn có nguy cơ rất lớn đến việc sạt lở kè và các hộ ven sông xã Cẩm Đình.

UBND xã Cẩm Đình đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ có biện pháp xử lý dứt điểm để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống”.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Tiến Dương, Trưởng công an xã Cẩm Đình cho biết: “Nhiều ngày qua, Công ty An Thịnh Vĩnh Lạc ngang nhiên đưa tàu khai thác cát trái phép giữa ban ngày. "Cát tặc" khai thác trên địa bàn xã Phương Độ rồi kéo xuống xã Cẩm Đình. Chúng tôi mong báo chí phản ánh và các cấp chính quyền sớm có biện pháp xử lý dứt điểm nạn khai thác cát trái phép cho người dân đỡ khổ”.

“Cát tặc” “qua mặt” cả UBND TP Hà Nội?

Trước thực trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng của Công ty An Thịnh Vĩnh Lạc diễn ra trong thời gian dài, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ đã có nhiều văn bản báo cáo lên các cấp chính quyền, cụ thể là UBND TP. Hà Nội.

Thế nhưng, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn không bị chặn đứng, thậm chí lại gia tăng với mức độ ngày một trầm trọng. Liệu, UBND TP Hà Nội có biết việc này hay không? Nếu biết, tại sao lại không chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý dứt điểm?

Theo ông Đặng Văn Nghĩa, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội nghiêm cấm việc khai thác cát ở khu vực này. Thực trạng những đơn vị khai thác cát ở đó là do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho khai thác. Huyện Phúc Thọ đấu tranh rất nhiều lần và đã làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) về việc có cho doanh nghiệp khai thác cát ở trên bãi nổi giáp ranh giữa huyện Phúc Thọ và Yên Lạc hay không?

“Tỉnh Vĩnh Phúc cho khai thác bãi nổi ở sông nhưng lại cho tàu hút, tàu cuốc khai thác, không thể chấp nhận được. Những tàu khai thác này làm lở mố kè, làm hại cả làng” - ông Nghĩa bức xúc.

Cũng theo ông Đặng Văn Nghĩa, huyện Phúc Thọ không làm gì được vì phía doanh nghiệp có nhiều “mối quan hệ”: “Huyện Phúc Thọ đã thành lập tổ công tác để kiểm tra nhưng chỉ để xua đuổi vì chúng tôi (Tổ công tác huyện Phúc Thọ- PV) ra đến nơi thì nó (doanh nghiệp khai thác cát - PV) lại “chạy”.

Quan điểm của UBND huyện Phúc Thọ muốn xử lý dứt điểm nạn cát tặc nhưng “lực bất tòng tâm”. Vị Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phúc Thọ cho biết thêm: Phía UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thừa nhận cấp phép có sơ xuất, cấp chồng lấn sang Hà Nội 10 héc ta và sẽ hứa điều chỉnh lại. Tuy nhiên, Công ty này vẫn khai thác bên địa phận Phúc Thọ, họ vẫn lấy bản đồ cũ ra để “chống chế”.

Không chỉ có người dân, chính quyền xã, huyện cũng đều bức xúc và “bó tay” trước nạn cát tặc. Vì sao không có cơ quan nào vào cuộc xử lý nạn cát tặc?

Người dân địa phương và dư luận có quyền hoài nghi về việc có hay không “ô dù”, “bảo kê” cho những tàu khai thác cát trái phép ngang nhiên hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật tại khu vực này?

Vấn nạn “cát tặc” đang từng ngày hủy hoại trực tiếp cuộc sống của người dân 2 xã Phương Độ và Cẩm Đình. Chẳng lẽ chính quyền TP Hà Nội để người dân chết dần chết mòn vì mất hết tư liệu sản xuất và pháp luật không được thực thi một cách nghiêm minh?

 

Theo Khoẻ 365/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bích họa "Hà Nội xưa và nay"

Hơn 20 bức bích họa có chủ đề “Hà Nội xưa và nay” được một nhóm họa sĩ vẽ trên khu vực tường bao quanh Trường THPT Phan Đình Phùng trên phố Phan Đình Phùng từ đầu tháng 10/2018.