Sáng nay (13/10), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với mưa lũ ở miền Trung và bão số 7 (tên quốc tế Nangka).
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 7h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin tại cuộc họp.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 7h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Theo ông Khiêm, các dự báo quốc tế về bão Nangka khá tương đồng. Đài Nhật Bản dự báo tối 14/10, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, đài Mỹ và Hong Kong đều dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền vào chiều 14/10.
Còn Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, sáng sớm 14/10, bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ và đến chiều cùng ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh nam Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, các tỉnh Trung Trung Trung Bộ ngày và đêm nay 13/10 có mưa to 50-100mm, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế 100-150mm. Từ ngày 14 đến 16/10, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có giông với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Trong đó, trọng tâm mưa tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Thời gian mưa lớn từ đêm 14/10 đến sáng 16/10.
Đối với tình hình lũ tại tại Trung Bộ, ông Khiêm cho biết, lũ trên một số hệ thống sông vẫn nghiêm trọng. Hiện nay lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã đạt đỉnh 7,17m và đang xuống chậm. Dự báo đêm nay, lũ trên sông Thạch Hãn xuống 6,4m, sông Bồ 4,7m, tuy nhiên lũ vẫn trên báo động 3. Tình trạng ngập úng vẫn diễn ra và có thể giảm trong ngày mai và ngày kia.
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 16h ngày 12/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.000 phương tiện với gần 230.000 lao động biết đường đi của bão số 7 và vùng nguy hiểm để phòng tránh.
Đối với hoạt động tàu thuyền trên vịnh Bắc Bộ, Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Nghệ An kêu gọi phương tiện khẩn trương di chuyển vào bờ trong chiều tối 13/10.
Đại diện Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết đơn vị đã cử lãnh đạo văn phòng vào cùng Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế đến khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để ứng phó khắc phục vụ sạt lở đất.
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 duy trì 8.574 người, 88 ô tô các loại và 172 tàu, xuồng phối hợp với lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung. Đồng thời sẵn sàng lực lượng ứng phó với bão số 7 và khắc phục hậu quả sau bão.
Kết luận cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, hiện nay toàn bộ miền Bắc, miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm.
Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai kết luận cuộc họp.
Ông Thành cho biết, ngày 14/10, bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Tình hình ngập lụt các tỉnh vẫn còn trên diện rộng.
"Hiện đã có hiện tượng sạt lở khu vực miền núi và các lực lượng đang tìm cách tiếp cận. Đề nghị các bộ ngành địa phương triển khai nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng ban hành trong ngày 12/10" - ông Thành nói.
Ông Thành cũng lưu ý các địa phương đảm bảo an toàn tàu thuyền, đặc biệt là lưu ý 86 tàu thuyền đang trong khu vực nguy hiểm.
Đồng thời rà soát, kiểm tra các hồ chứa, hồ thủy điện trước khi bão số 7 đổ bộ và có kế hoạch điều tiết khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn cho hạ du.
Nguyễn Dương - Theo Dân Trí