Mở rộng việc thực hiện quy chế dân chủ trong những lĩnh vực mà Nhân dân quan tâm

20/10/2022 17:17

Kinhte&Xahoi Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị quận Ba Đình tiếp tục quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong các loại hình mới; Trong đó chú trọng việc thực hiện QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng; Mở rộng xây dựng và thực hiện QCDC trong những lĩnh vực mà Nhân dân quan tâm…

Sáng 20/10, Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội đã làm việc với phường Trúc Bạch và phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) về kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn.

Quang cảnh buổi làm việc

Gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của 2 phường đã được Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội 2 phường quan tâm, triển khai thực hiện; Gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng; Thực hiện Nghị quyết số 97của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Tại phường Trúc Bạch, Đảng ủy đã lãnh đạo UBND phường thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 34/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC trong các loại hình mới do quận ban hành, gồm: Thực hiện QCDC trong công tác thuế đối với cá nhân kinh doanh trên địa bàn quận; QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận; QCDC trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

UBND phường xây dựng và ban hành các QCDC trong hoạt động của UBND phường. Nhờ phát huy dân chủ ở cơ sở, Nhân dân đã tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, xã hội hóa… Từ năm 2020 đến nay với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Tất cả kinh phí vận động đều do Nhân dân đóng góp, đồng thời đều được công khai cho nhân dân và cử người giám sát…

Tại phường Vĩnh Phúc, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND phường ban hành quy chế làm việc của UBND phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Công tác cải cách hành chính được quan tâm: Năm 2021 và 9 tháng năm 2022 đã tiếp nhận và giải quyết 7.834/7.834 hồ sơ, 100% hồ sơ hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của phường được trả trước hạn và đúng hạn, trong đó tỷ lệ hồ sơ được trả trước hạn đạt trên 90%.

Đại diện phường Vĩnh Phúc báo cáo tại buổi kiểm tra

Năm 2021 và 9 tháng năm 2022, Đảng ủy - UBND phường Trúc Bạch đã tổ chức 2 hội nghị tiếp xúc, đối thoại; 3 hội nghị phản biện, MTTQ phường đã tổ chức 7 cuộc giám sát. Phường Vĩnh Phúc đã tổ chức 3 hội nghị tiếp xúc, đối thoại theo Quyết định số 2200-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; MTTQ phường đã tổ chức 3 hội nghị phản biện. Các tổ dân phố xây dựng Quy ước xây dựng tổ dân phố “Văn minh - an toàn - sạch đẹp” và được UBND quận phê duyệt.

Tăng cường vai trò của người đứng đầu trong thực hiện QCDC

 Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy Ba Đình và sự vào cuộc tích cực của phường Trúc Bạch, Vĩnh Phúc trong việc thực hiện QCDC tại cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận Ba Đình tiếp tục quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện QCDC trong các loại hình mới; Trong đó chú trọng việc thực hiện QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng; Mở rộng xây dựng và thực hiện QCDC trong những lĩnh vực mà Nhân dân quan tâm…

Nhấn mạnh những nhiệm vụ cần triển khai thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP đề nghị quận Ba Đình và 2 phường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cùng với việc rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch công tác năm 2022, các cấp ủy, chính quyền; MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ quận đến cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, TP về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; Trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về thực hiện QCDC.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kết luận buổi làm việc

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị gắn việc thực hiện QCDC với các nhiệm vụ trọng tâm của TP, của địa phương, cơ sở; thực hiện tốt chủ đề năm 2022 của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về củng cố cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính; Thực hiện nghiêm việc tiếp công dân; Tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân… Cùng với đó, cần phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, qua đó góp phần hoàn thành những nhiệm vụ chính trị được giao.

Tú Linh; Ảnh: Quang Thái- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm xe chở rác lưu thông trong giờ cấm gây ùn tắc

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và Thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tiếp tục rà soát, kiểm tra các phương tiện vận chuyển, thu gom rác lưu thông trong giờ cấm gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/mo-rong-viec-thuc-hien-quy-che-dan-chu-trong-nhung-linh-vuc-ma-nhan-dan-quan-tam-208478.html