Nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc người dân Thủ đô

09/10/2022 08:29

Kinhte&Xahoi Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thành phố Hà Nội còn tập trung ưu tiên phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Từng bước cải thiện cuộc sống người dân Thủ đô

 Sau gần hai năm triển khai, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” đã mang lại nhiều kết quả, tác động tích cực đến đời sống của người dân.

Được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình 08, huyện Đông Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo, chủ động trong quá trình triển khai. Đến nay, toàn huyện có 152 thôn, làng có nhà văn hóa với quy chế quản lý và hoạt động hiệu quả, còn ba thôn đang được đầu tư nhà văn hóa.

Điển hình là nhà văn hóa Tổ dân phố số 2, thị trấn Đông Anh được đầu tư xây dựng với quy mô hơn 4.000m2, là một trong những công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng, tạo điểm nhấn của huyện.

Cùng với chăm lo đời sống cho người dân, vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cũng được huyện quan tâm thực hiện, nhất là đối với người dân trong diện giải phóng mặt bằng các dự án. Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, huyện đã giải quyết việc làm cho 17.526 người lao động, trong đó hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 4.399 người.

Hiện, huyện Đông Anh không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo được quan tâm hỗ trợ và giảm nhanh, đáng chú ý dù là địa bàn ngoại thành nhưng hồ ao trong các khu dân cư được kè, tách nước thải, khu tập kết rác thải sinh hoạt được đầu tư xây dựng.

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội

Tại quận Hai Bà Trưng, thời gian qua, quận luôn xác định, thực hiện chính sách xã hội, chăm lo cho người dân là nhiệm vụ thường xuyên, vừa cấp bách vừa lâu dài của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Theo đó, nhiều chính sách của thành phố ban hành được quận hiện thực hóa, đi vào cuộc sống, đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nói chung và các hộ nghèo, đối tượng yếu thế nói riêng.

Để góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3% của thành phố nói riêng, cũng như thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 207/KH-UBND nói chung, quận Hai Bà Trưng đã tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp, đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của Nhân dân theo hướng tiến bộ, hiện đại. Trong đó, chú trọng mở rộng mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng và phát triển đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp.

Cùng với huyện Đông Anh, quận Hai Bà Trưng, những năm qua, huyện Phú Xuyên đã xây dựng và triển khai các đề án phát triển hệ thống an sinh xã hội về giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, bao phủ bảo hiểm y tế... Nhờ đó, đến nay huyện đã phát triển được thị trường lao động, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thời, huyện cũng mở rộng vững chắc diện bao phủ chính sách bảo hiểm, chính sách giảm nghèo, tín dụng và phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Các cuộc vận động, phong trào thi đua trong lĩnh vực này được triển khai hiệu quả, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân cả về thể chất và tinh thần, thời gian tới, Phú Xuyên sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu duy trì 100% người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; Từng bước nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội...

Nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo

 Có thể thấy rằng, trong thời gian qua, các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… đã được thành phố thực hiện đúng, đủ và kịp thời.

Đồng thời, thành phố cũng ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù về phúc lợi xã hội. Trong đó, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ về công cụ, phương tiện sản xuất và giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi...

Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, thành phố quyết tâm nâng cao hơn nữa đời sống người dân cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Để cụ thể mục tiêu này, Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình công tác toàn khóa về an sinh xã hội. Đó là Chương trình số 08: Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân; Trong đó tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh cơ cấu lại lao động nông thôn, phát triển kinh tế làng nghề, các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Đồng thời thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tập trung, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi, vùng xa trung tâm…

Huyện Sóc Sơn từng ngày thay đổi nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách trong xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội, công tác dân số - gia đình, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, thực hiện bình đẳng giới cũng được thành phố tiếp tục quan tâm. Phấn đấu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 76,5 tuổi, cao hơn hai tuổi so với bình quân chung cả nước.

Thành phố cũng chú trọng thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; Bảo đảm trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, đối tượng chính sách và có hoàn cảnh đặc biệt được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...

Trong nhiệm kỳ này, thành phố phấn đấu khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho tất cả người dân. Trong đó, chú trọng đến khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế dịch bệnh.

Với kinh nghiệm của việc xây dựng, triển khai các chương trình công tác toàn khóa các nhiệm kỳ trước, thành phố có cơ sở để thực hiện Chương trình số 08 một cách hiệu quả. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ là nền tảng quan trọng để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nang-cao-chat-luong-cuoc-song-va-hanh-phuc-nguoi-dan-thu-do-207513.html