Ngang nhiên vào rừng mở “đại công trường” khai thác gỗ trái phép

29/08/2021 09:29

Kinhte&Xahoi Những cây cổ thụ bị cưa hạ không thương tiếc, rừng bị phá tan hoang như chốn không người, nhìn cảnh tượng này mới thấy tiếng kêu xé lòng từ rừng xanh.

Thời gian gần đây nhiều thông tin của người dân địa phương phản ánh, tình trạng khai thác gỗ trái phép tại lâm phần xã Ea Lai, xã Chư Prao, huyện M’Drắk đang diễn biến phức tạp.

Ngày 27/8, từ đường Hồ Chí Minh đi vào theo tỉnh lộ 693 PV đã tìm đến một con đường người dân trồng cây Keo nối liền với tỉnh lộ 693 thuộc địa phận thôn 6 xã Cư Prao. Theo con đường trên đi vào rừng khoảng 4 km chúng tôi đã tiếp cận được những điểm phá rừng nói trên trên.

Gỗ được xẻ hộp chuẩn bị vận chuyển ra ngoài (Ảnh: Thế Hùng).

Sau khi đi bộ, leo rừng theo lối mòn nhỏ khoãng hơn 2 km nữa chúng tôi phát hiện ra một cảnh tượng vô cùng đau xót, nhiều cây rừng bị hạ xuống xẻ hộp để vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Dấu cưa mới, mủ cây  còn ứa ra, lẫn với lối đi là dấu bánh xe độ chế. Xa xa tiếng cưa lốc gầm lên, tiếng cây đổ vang vào không gian tĩnh lặng, cây đổ, gỗ hộp đã được cưa vuông vức nằm chờ để vận chuyển ra ngoài.

Trên con đường này, đến lưng chừng núi, nhiều con đường nhỏ được luồn lách đi nhiều hướng khác nhau, nếu một người bình thường mà đi vào khu này chắc phải nhiều ngày mới đi hết. Ngay trước mắt chúng tôi là những cây gỗ có đường kính từ 50cm đến 120cm bị cưa hạ. Uớc lượng có khoảng hơn 100 cây bị triệt hạ.

Theo một số người dân nơi đây nếu chúng tôi đi chừng 3 km nữa lên phía gần đỉnh núi là sẽ gặp nhiều đối tượng đang tập trung trên đó. Đợt vào rừng cưa hạ gỗ lần này chỉ cách đây ít hôm.

Để bảo vệ chính mình chúng tôi đã xuống núi lúc chiều muộn và khi đã đến một khoảng cách an toàn chúng tôi liền liên lạc với ông Lê Ngọc Tam - Hạt trưởng hạt kiểm lâm M’Drắk, ông Tam cho biết: “Hiện trường này đích thân tôi và một anh Hạt phó đã biết từ đầu tháng 8, mọi việc về chuyên môn chúng tôi đã làm. Hiện như thế nào để tôi hỏi lại anh em đã, đây thuộc rừng của xã Ea Lai giáp ranh với xã Chư Prao diện tích này giao cho xã quản lý.

Tổng số cây bị cưa hạ là khoảng 20 gốc cây, với khoảng mười mấy khối, còn lại nằm tại hiện trường".

Chúng tôi chất vấn thêm vậy Hạt đã báo cho Chi cục kiểm lâm hay UBND huyện chưa ông Tam nói chưa!?.

Những cây cổ thụ mới bị cưa hạ, mủ còn ứa ra (Ảnh: Thế Hùng).

Ông Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND huyện M’Drắk cho biết: “Phóng viên điện đến tôi mới biết, tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện vào để xử lý vụ việc và sẽ có câu trả lời sớm nhất cho báo chí”.

Còn nhớ ngày 5/3/2019, Giám đốc Công an tỉnh là Đại tá Vũ Hồng Văn và ông Nguyễn Hoài Dương  Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã trực tiếp vào hiện trường gần chỗ này để triệt phá một vụ phá rừng lớn. Sau đó cơ quan chức năng đã khởi tố một số đối tượng trong vụ phá rừng vào tháng 3/2019.

Sau hơn 2 năm tình trạng phá rừng vẫn không giảm mà các đối tượng nơi đây còn manh động hơn. Thấy rừng già bị tàn phá tan hoang, địa điểm phá rừng chỉ có một con đường độc đạo. Nhưng không hiểu sao gỗ bị cưa hạ, xe chở gỗ lớn ra khỏi rừng không bị phát hiện? Câu trả lời này dành cho các cơ quan chức năng huyện M’Drắk và tỉnh Đắk Lắk.

Pháp luật Plus sẻ tiếp tục thông tin.

 Ngọc Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ngang-nhien-vao-rung-mo-dai-cong-truong-khai-thac-go-trai-phep-d164814.html