Nghệ An: Nhiều xóm làng ngập chìm trong nước

30/09/2022 10:59

Kinhte&Xahoi Mưa lớn kéo dài khiến một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện tình trạng ngập lụt, chia cắt khiến giao thông khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho người dân. Thiệt hại về tài sản vẫn chưa có con số chính xác.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru), bắt đầu từ tối ngày 28/9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện mưa to liên tục khiến nhiều nơi bị ngập sâu, đập vỡ, nước tràn gây chia cắt cục bộ tại nhiều địa phương như: TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hoàng Mai, Kỳ Sơn, Con Cuông…

Nhiều nhà dân vẫn ngập sâu trong nước.

Tính đến 21h ngày 29/9, đã có hơn 7.300 nhà bị ngập sau mưa lớn.

Tại huyện Quỳnh Lưu, có hơn 5.325 hộ bị nước vào nhà, nhiều nhà bị tốc mái. Toàn huyện bị sạt lở 400m bờ đê sông, hồ đập, sạt lở 1.367m đường giao thông, thiệt hại hơn 24 ha lúa mùa, gần 1.600 ha nuôi trồng thủy sản và hơn 1.400 ha ngô, rau màu; có 12.138 con gia súc, gia cầm bị chết, 4.255 tấn muối trong kho bị ngập. Trên địa bàn huyện có 99/101 hồ đập đã chảy tràn.

Lực lượng chức năng gia cố một đoạn đê bị vỡ

Huyện Thanh Chương hiện có 776 nhà bị ngập, 3 điểm trường ở các xã Thanh Ngọc và Thanh Nho ngập sâu; 23 xóm bị cô lập; tuyến đê phòng lũ đoạn qua nhà máy may, xã Thanh Liên bị nước tràn qua… Đến chiều 29/9 trên địa bàn huyện có 1 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ. Đoàn công tác ứng phó thiên tai của tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra thực tế trong chiều 29/9, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số điểm trên địa bàn huyện Thanh Chương.

Nhiều xã ở huyện Yên Thành như Quang Thành, Hậu Thành, Xuân Thành, Bảo Thành… mưa lớn cũng khiến nước từ các sông dâng cao, tràn từ ruộng vào nhà dân. Người dân hối hả di dời lúa, tivi, tủ lạnh… lên khu vực cao hơn ngay trong đêm.

 
Nhiều đường liên xã bị nước chia cắt

Các huyện miền núi Nghệ An như Con Cuông, Kỳ Sơn… cũng bị chia cắt cục bộ. Đồn Biên phòng Môn Sơn đã cử lực lượng xuống địa bàn các bản Thái Sơn 1 và Thái Sơn 2 tổ chức di dời tài sản kịp thời nên không có thiệt hại về người, tài sản, đồ đạc, gia súc của người dân đã kịp thời được di dời lên cao. Hiện tất cả các tuyến đường từ bản Mét, bản Tân Hợp, bản Yên Hoàn, bản Lục Sơn, bản Khe Mọi, bản Xằng… vẫn đang đều bị chia cắt do ngập các đập tràn.

Hiện, các lực lượng chức năng và người dân đang cố gắng khắc phục khó khăn; Chủ động triển khai phương án PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” khắc phục thiệt hại, hỗ trợ di dời tài sản các hộ dân đến nơi an toàn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình bị ngập lụt; Tạm thời cho học sinh để đảm bảo an toàn.

 Minh Quang - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản về việc tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội; Các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã; Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; Các bệnh viện trong và ngoài công lập thuộc Sở Y tế.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nghe-an-nhieu-xom-lang-ngap-chim-trong-nuoc-206964.html