Nghiêm cấm hành vi quấy nhiễu khách hàng trong kinh doanh bảo hiểm

29/10/2021 16:49

Kinhte&Xahoi Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện quảng bá, giới thiệu bảo hiểm dưới nhiều hình thức sử dụng công nghệ thông tin, tin nhắn điện thoại liên tục gây bức xúc cho người nhận tin nhắn. Vì vậy, đề nghị có thể bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm.

Ngày 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, hầu hết đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Một số ý kiến lưu ý tình trạng lợi dụng các loại hình kinh doanh bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau, có những rủi ro cho người dùng; thể bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong hành vi kinh doanh bảo hiểm…

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) tham gia ý kiến

Lợi dụng các loại hình kinh doanh bảo hiểm để huy động vốn đa cấp

 Thảo luận từ điểm cầu Thái Bình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung lưu ý tình trạng lợi dụng các loại hình kinh doanh bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau.

“Tức là người mua trở thành đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn, từ đấy hình thành đường dây đa cấp, dẫn đến rủi ro, đổ vỡ” - đại biểu nêu ý kiến.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, dù dự thảo luật quy định khá rõ tiêu chuẩn đại lý, quy định bảo hiểm phải có hợp đồng quy định rõ trách nhiệm bên bán, bên mua, thế nhưng hiện nay có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên không gian mạng. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng.

“Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước để tăng cường quản lý và chế tài đối với các vấn đề nảy sinh nêu trên”, vị đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) tham gia ý kiến về hành vi nghiêm cấm tại điều 10 dự thảo Luật. Cụ thể, có 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc không có giấy phép thành lập và hoạt động không đúng với nội dung được cấp phép, thực hiện các hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm…

“Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện quảng bá, giới thiệu bảo hiểm dưới nhiều hình thức sử dụng công nghệ thông tin, tin nhắn điện thoại liên tục gây bức xúc cho người nhận tin nhắn. Vì vậy, đề nghị có thể bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong hành vi kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức”, đại biểu Võ Mạnh Sơn kiến nghị.

Bảo mật thông tin cho người tham gia bảo hiểm

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội)

Về hợp đồng bảo hiểm, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đề nghị bổ sung các điều khoản liên quan đến trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, các hậu quả pháp lý cũng như quy định về mức phí tham gia.

“Cơ quan soạn thảo cần bổ sung vào dự thảo luật trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, cần đánh giá lại rõ ràng hơn về tình hình quản lý Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm thời gian qua, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trình Quốc hội vào kỳ họp sau”, đại biểu Trần Văn Tuấn kiến nghị.

Nhiều ý kiến thảo luận tán thành với các quy định về hợp đồng bảo hiểm và cho rằng đây là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định liên quan đến hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để vừa bảo đảm nhất quán giữa các quy định của pháp luật, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm cần bảo đảm quyền bất khả xâm phạm bí mật cá nhân cũng như gia đình theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trong hợp đồng cần có điều khoản quy định rõ giữa người mua bảo hiểm và cơ quan bán bảo hiểm về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, tránh việc cung cấp cho bên thứ 3, tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện các nội dung, quy định cũng như các hành vi trong hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

“Về quy định đối với đại lý bảo hiểm, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm. Về việc cung cấp thông tin, do lo ngại tiết lộ bí mật cá nhân, cơ quan soạn thảo cũng tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có việc mã hóa thông tin cá nhân. Hiện nay, cơ quan soạn thảo cũng chỉ đưa ra 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc gồm: Xe cơ giới, cháy nổ và xây dựng, còn các loại hình bảo hiểm khác là tự nguyện”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội khánh thành 15 Nhà đại đoàn kết và trao sinh kế cho hộ nghèo

Hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021, hướng tới kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2021), sáng 29/10, tại huyện Mỹ Đức, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Chương trình “Hỗ trợ hộ nghèo khắc phục khó khăn do đại dịch”.

Hà Nội hướng tới nền nông nghiệp đô thị

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ đang đặt ra những yêu cầu mới đối với Hà Nội. Để giải bài toán này, TP cần có tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị cùng những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nghiem-cam-hanh-vi-quay-nhieu-khach-hang-trong-kinh-doanh-bao-hiem-181579.html