Người dân có thể nộp phạt vi phạm giao thông tại nơi cư trú

26/02/2022 10:07

Kinhte&Xahoi Theo quy định mới, khi người dân vi phạm lỗi khi tham gia giao thông thì có thể đến trụ sở cơ quan công an cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi ở để thực hiện việc xử phạt thay vì phải đến trụ sở đơn vị quản lý tuyến đường đó để lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Quy định mới này đã góp phần xử lý nghiêm minh, giảm thiểu thời gian và đi lại của người dân.

Tạo thuận lợi cho người dân

 Thời gian qua, việc áp dụng biện pháp “phạt nguội” được xem là hình thức xử lý hiệu quả các vi phạm về trật tự an toàn giao thông khi không có lực lượng cảnh sát giao thông làm việc trực tiếp trên đường. Tuy nhiên, vấn đề này cũng làm nảy sinh khó khăn nhất định khi có không ít người dân phải đi xa hàng trăm cây số để lập biên bản.

Trước những bất cập đó, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Trong đó, quy định cho phép các phát hiện vi phạm qua thiết bị kỹ thuật thì được gửi đến công an cấp tỉnh, cấp huyện nơi chủ sở hữu phương tiện sinh sống, hoặc cơ quan tổ chức đó để tiến hành lập biên bản và ra Quyết định xử phạt.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông quan sát các phương tiện giao thông di chuyển trên đường qua hệ thống Camera giao thông

Điều này đã giúp cho người vi phạm không phải đến trụ sở đơn vị quản lý tuyến đường đó để lập biên bản và ra Quyết định xử phạt, mà thay bằng việc chỉ phải đến trụ sở cơ quan công an cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi ở để thực hiện việc xử phạt, góp phần xử lý nghiêm minh, giảm thiểu thời gian và đi lại của người dân.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, để triển khai thực hiện Nghị định 135/2021/NĐ-CP, hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Bộ Công an phối hợp với các đơn vị để sửa đổi các quy trình, các thông tư của Bộ để làm sao phân công phân cấp, quy trình thực hiện nhiệm vụ này thông suốt từ Bộ tới công an cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, Bộ đã có chỉ đạo để kết nối các phần mềm xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông, đăng ký xe của lực lượng Cảnh sát giao thông từ Cục đến công an cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn quốc.

“Chúng tôi đang tổ chức tập huấn quy trình này. Tất cả dữ liệu qua hệ thống giám sát được gửi điện tử trực tiếp từ đơn vị đó tới Công an cấp huyện và trước khi gửi phải được xác minh chính xác nơi ở của chủ xe theo hệ thống quản lý cơ sở quốc gia về dân cư để mời chủ xe lên làm việc, xử lý”, Đại tá Bình nói.

Đặt nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin

 Theo quy định, Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP hướng dẫn xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Khi có kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và thực hiện theo các bước.

Bước 1 là xác định thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.

Bước 2 là gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, trừ trường hợp người có thẩm quyền đã xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa điểm, tuyến, địa bàn xảy ra hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính.

Bước 3 là lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bước 4 là ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Theo quy định mới, người dân có thể nộp phạt vi phạm giao thông tại nơi cư trú mà không phải đến tận nơi xảy ra vi phạm

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, việc thực hiện Nghị định 135 của Chính phủ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vi phạm được lực lượng Cảnh sát Giao thông phát hiện và xác minh rất chính xác nơi ở, địa chỉ của chủ xe qua hệ thống quản lý cơ sở quốc gia về dân cư; Người dân không phải đi lại nhiều để phát sinh các chi phí và giảm thiểu về thời gian.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin của lực lượng Cảnh sát giao thông mang tính xuyên suốt hơn, giảm thiểu hình thức trực tiếp, thủ công. Qua đó, thay đổi tư duy từ phát hiện, từ nhiều thủ tục phức tạp để chống vi phạm, thay bằng việc phát hiện nhiều vi phạm và xử lý nghiêm minh hơn.

“Chúng tôi cũng đang báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ tiến tới cho thí điểm xử phạt mà phát hiện qua hệ thống giám sát sẽ không phải lập biên bản vì các chứng cứ đã rõ, các tài liệu chứng minh ai là người vi phạm và các nội dung khác để ra Quyết định xử phạt đều đầy đủ”, Đại tá Bình thông tin thêm.

Như vậy, kể từ ngày Nghị định 135 có hiệu lực thi hành, nếu người tham gia giao thông bị phạt nguội tại tỉnh thành khác có thể được nộp phạt ngay tại chính địa phương mình cư trú, công tác... Đây là tin vui đối với tất cả người dân vì có thể giảm thiểu thời gian đi lại của người dân và đặt nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ mà Bộ Công an đang chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ tới cơ sở.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Học sinh ở Hà Nội đi học trực tiếp theo tinh thần tự nguyện

Ngày 24-2, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc tổ chức cho học sinh học tập trực tiếp tại các nhà trường trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì và bảo đảm nền nếp. Trừ trẻ mầm non của toàn thành phố và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận, học sinh các cấp học đều đã được trở lại trường học. Tỷ lệ học sinh học trực tiếp đạt trên 70%.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-co-the-nop-phat-vi-pham-giao-thong-tai-noi-cu-tru-190656.html