Người dân Thủ đô phấn khởi nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội

30/04/2020 16:47

Kinhte&Xahoi Niềm vui trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 được nhân lên, lan tỏa, khi nhiều người dân thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Thủ đô nhận được số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

 Người dân phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm) phấn khởi khi nhận tiền hỗ trợ.

Tại quận Bắc Từ Liêm, 8h30 sáng, cụ Nguyễn Thị Bớt (89 tuổi) là mẹ liệt sĩ, ở tổ dân phố 5, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm đến nhà văn hóa của tổ dân phố để lĩnh tiền hỗ trợ. Sau khi rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, cụ Bớt đặt bút ký vào danh sách lĩnh tiền.

Đón nhận số tiền 1,5 triệu đồng dành cho đối tượng người có công, cụ Bớt xúc động chia sẻ: “Trong cuộc sống thường nhật, gia đình chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ là món quà tri ân đặc biệt nhất, đáng nhớ nhất, bởi chính sách này đến với người dân trong giai đoạn khó khăn. Đó là động lực để các gia đình thêm vững tin vào cuộc sống”.

Sự phấn khởi của cụ Bớt cũng là cảm xúc chung của nhiều người khi đến nhà văn hóa tổ dân phố 5, phường Phúc Diễn sáng nay, trong đó có các cụ Nguyễn Trọng Quang, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Xuân Liểu... Vừa ngồi chờ đến lượt lĩnh tiền, họ vừa kể cho nhau nghe và động viên nhau qua những câu chuyện về gia đình, cuộc sống; chia sẻ cả dự định trước mắt với số tiền nhận trợ cấp hôm nay, các gia đình sẽ có một kỷ niệm về ngày 30-4, ngày thống nhất non sông thêm phần ý nghĩa.

Người dân không quên rửa tay sát khuẩn để bảo đảm an toàn.

Với phương án chi trả rõ người, đối tượng, chia theo khu vực, sát đến địa bàn dân cư, sau ít giờ, tổ dân phố 5 và các tổ dân phố khác trên địa bàn phường Phúc Diễn cơ bản hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ 380 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường.

Cùng ngày, 100% phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành chi trả tiền trợ cấp cho tổng số hơn 6.500 đối tượng thuộc diện được nhận trợ cấp đợt 1, với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND quận Lưu Ngọc Hà cho biết, tổng số các đối tượng được nhận tiền hỗ trợ của 13 phường trên địa bàn là 6.516 người với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Chiều qua (29-4), các phường đã nhận đủ tiền hỗ trợ. Việc chi trả cho các đối tượng cũng sẽ được hoàn tất trong hôm nay.

Tại quận Ba Đình, từ sáng sớm, người dân các phường Liễu Giai, Cống Vị, Điện Biên, Quán Thánh, Đội Cấn và Vạn Phúc đã phấn khởi đi lĩnh tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ.

Là một trong những người đầu tiên nhận tiền hỗ trợ, bà Trương Thị Hảo, tổ dân phố 3D, phường Liễu Giai chia sẻ, hoàn cảnh gia đình bà đặc biệt khó khăn. Hiện nay, hai ông bà đã ngoài 70 tuổi, vẫn phải đi bán hàng rong nuôi hai người con không may bị khuyết tật. Trong thời điểm có dịch Covid-19, chế độ trợ cấp hằng tháng và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng chính là điểm tựa cho cuộc sống của gia đình bà.

“Thời gian qua, đại diện các cơ quan chức năng thường xuyên đến nhà tôi thăm hỏi, động viên, tặng quà. Sự trợ giúp kịp thời đó giúp gia đình tôi và những người đồng cảnh vơi đi bao nỗi khó khăn”, bà Trương Thị Hảo nói.

Ngoài việc chi trả chế độ hỗ trợ theo chính sách, các cơ quan chức năng quận Ba Đình còn hỗ trợ thêm cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận với số tiền 1 triệu đồng/hộ cùng các nhu yếu phẩm thiết yếu.

 Việc chi trả chế độ hỗ trợ tại quận Cầu Giấy bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Tại nhiều quận, huyện khác, việc chi trả chế độ hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng diễn ra đồng loạt từ sáng 30-4. Quá trình chi trả bảo đảm an toàn về nguồn tiền, đúng người, đối tượng; tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Dự kiến, trong ngày hôm nay, toàn thành phố sẽ hoàn thành việc chi trả cho khoảng 50% đối tượng thụ hưởng.

Tại quận Hoàn Kiếm, có 1.800 người có công với cách mạng, trên 2.100 đối tượng bảo trợ xã hội và 192 hộ cận nghèo thuộc diện được hưởng hỗ trợ đợt này với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 6 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, lúc 22h ngày 29-4, sau khi tiền hỗ trợ được chuyển từ Kho bạc Nhà nước về quận, toàn bộ số tiền hỗ trợ đã được phân bổ về 18 phường trên địa bàn. Trong ngày 30-4, UBND 18 phường trên địa bàn sẽ thực hiện chi trả xong tiền hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định.

Ngay từ sáng sớm, tại trụ sở UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), các gia đình chính sách đã có mặt để nhận hỗ trợ theo quyết định của thành phố.

Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo Phùng Phương Thảo cho biết, toàn phường có 262 người thuộc diện được hỗ trợ đợt này với tổng kinh phí là 384 triệu đồng, việc chi trả tiền hỗ trợ thực hiện xong trong ngày hôm nay.

Chia sẻ sau khi nhận tiền hỗ trợ, bà Phạm Thị Kim Thoa, trú tại số nhà 77 Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm) nói: “Tôi rất xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội. Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, nên khoản tiền hỗ trợ này sẽ giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn, nhất là sau khi chịu tác động của dịch Covid-19 khiến thu nhập của cả gia đình bị sụt giảm”.

Người dân nhận hỗ trợ tại phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm sáng 30-4.

Trên địa bàn quận Cầu Giấy, các phường cũng đã tiến hành việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Dịp này, có tổng cộng 1.819 người trên địa bàn quận được hỗ trợ. Trong đó, nhiều nhất là công dân trên địa bàn phường Nghĩa Đô với 334 trường hợp. Sau khi hoàn thành việc chi trả, UBND quận Cầu Giấy yêu cầu các phường hoàn thiện hồ sơ đầy đủ gửi về quận và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định… 

Tại quận Nam Từ Liêm, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng cũng đã bắt đầu từ sáng nay.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, UBND quận đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gồm 4.748 người với tổng kinh phí gần 5,83 tỷ đồng. Việc chi trả được thực hiện xong trong ngày hôm nay.

UBND quận Tây Hồ hôm nay cũng triển khai chi trả cho người dân 8/8 phường trên địa bàn khoản hỗ trợ an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ

 Người dân phường Nhật Tân nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ Dương Văn Trường cho biết, căn cứ kết quả rà soát, các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói an sinh xã hội tại 8 phường trên địa bàn quận, gồm: 1.027 người có công; 1.695 đối tượng bảo trợ xã hội; 60 nhân khẩu của 26 hộ cận nghèo. Tổng số người được hỗ trợ trong nhóm 3 đối tượng là 2.782 người, với số tiền gần 4,13 tỷ đồng.

Tại trụ sở UBND phường Nhật Tân, trong sáng nay, 94 người có công, 160 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi, người khuyết tật trên địa bàn được chi trả chế độ hỗ trợ.

Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Phạm Thế Vinh cho biết: “Sáng nay, chúng tôi chi trả toàn bộ trường hợp trong diện được nhận hỗ trợ theo gói an sinh xã hội. Chúng tôi cũng chuẩn bị phương án, những trường hợp nào không thể ra trụ sở phường nhận, UBND phường cử cán bộ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên phường chuyển kinh phí hỗ trợ đến từng gia đình một cách nhanh chóng và kịp thời”.

Tại huyện Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh cho biết, căn cứ vào kết quả rà soát các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói an sinh xã hội trên địa bàn, UBND huyện đã ra quyết định về các mức hỗ trợ với tổng số tiền 15,2 tỷ đồng dành cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh tới nhà riêng trao hỗ trợ cho ông Nguyễn Văn Bút (sinh năm 1945), là người có công với cách mạng ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên.

Cụ thể, mức hỗ trợ 500.000 đồng được trao cho 2.221 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng) trên địa bàn huyện với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ này cũng dành cho 6.079 người là đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng tại địa phương, với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 82 người thuộc 28 hộ nghèo; 3.665 người thuộc 1.343 hộ cận nghèo được nhận mức hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng. Ngay trong sáng 30-4, các địa phương trên địa bàn huyện đã tổ chức trao khoản hỗ trợ kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.

Nhận khoản hỗ trợ do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh tới tận nhà trao, ông Nguyễn Văn Bút (sinh năm 1945, ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên), người có công với cách mạng xúc động bày tỏ: "Cảm ơn Đảng, Nhà nước, thành phố và địa phương đã đã luôn quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân nói chung, các gia đình có công với cách mạng nói riêng. Không chỉ dịp này, chúng tôi luôn nhận sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành. Nhờ vậy, đời sống của gia đình tôi và các gia đình chính sách khác luôn được bảo đảm". 

Quận Thanh Xuân thực hiện chi trả hơn 5 tỷ đồng cho 3.745 người là các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo trên địa bàn.

 Các đối tượng người có công quận Thanh Xuân nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19

Các đối tượng trên địa bàn 11 phường của quận đã nhận hỗ trợ, cụ thể: 2.075 người có công và thân nhân người có công nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người; 1.556 người là đối tượng bảo trợ xã hội với mức 1,5 triệu đồng/người; 55 hộ cận nghèo (114 nhân khẩu), gồm 21 người được trợ cấp mức 3 triệu đồng/người và 93 người được trợ cấp mức 750 nghìn đồng/người...


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về đấu giá tài sản

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 1415/UBND-NC gửi các ban, sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố về việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: Hàng cây phong trơ cành, có dấu hiệu chết khô

Tuyến phố Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những con đường đẹp, lãng mạn nhất Hà Nội nhờ những hàng phong lá đỏ. Thế nhưng đến nay, những hàng cây phong này đang trong tình trạng trơ cành, có dấu hiệu chết khô.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/966147/nguoi-dan-thu-do-phan-khoi-nhan-tien-ho-tro-tu-goi-an-sinh-xa-hoi