Theo đó, xe đạp công cộng được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Thời gian dự kiến thực hiện năm 2022 đến 2023.
Người dân Thủ đô sắp được sử dụng xe đạp công cộng tại 5 quận trung tâm (Ảnh minh họa)
Dự án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 đến 80 vị trí.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và vùng lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.
Theo tính toán, tổng chi phí của dự án là khoảng 26 tỷ đồng, nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác. Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND thành phố hỗ trợ một số địa điểm đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.
Được biết, đơn vị được lựa chọn để phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội xây dựng dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam. Đây cũng là đơn vị đang triển khai xe đạp công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021.
Trước đó, ngày 25/5/2021, tại Kết luận cuộc họp số 315/TP-VP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo về nội dung “Dự án xe đạp đô thị”, trong đó có giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội thực hiện, đánh giá việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và việc triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, việc phát triển xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác ở Thành phố Hồ Chí Minh góp phần nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, nhằm từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường.
Mô hình xe đạp công cộng đang được thí điểm tại TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, xe đạp công cộng bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay. Do ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sẽ phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng, bước đầu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ sử dụng của người dân.
Do đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, việc triển khai "Dự án xe đạp đô thị" tại thành phố Hà Nội là cần thiết. Dự án sẽ đem đến cho người dân Hà Nội một phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện môi trường cho việc di chuyển kết nối giữa vận tải hành khách công cộng như tàu điện, xe buýt, giữa các khu đô thị, trụ sở văn phòng...
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc triển khai bổ sung loại hình xe đạp/xe đạp điện đô thị ít ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông trên đường giao thông công cộng, không làm quá tải do có tính chất về vận hành/số lượng người sử dụng tương tự như xe gắn máy.
Do đó không làm quá tải hệ thống giao thông, trường hợp hiệu quả kết nối sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Thanh Hà - TTTĐ