Người nghèo thành phố chơi vơi giữa đại dịch

16/04/2020 10:03

Kinhte&Xahoi Lao động ngoại tỉnh mắc kẹt giữa lựa chọn về quê hay ở lại bởi nếu ngồi chơi không ở thủ đô họ phải chịu chi phí sinh hoạt đắt đỏ những ngày giãn cách xã hội.

Các xóm trọ tạm bợ tại phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm) là nơi ở của hàng trăm lao động nghèo từ các tỉnh thành lân cận xuống làm việc. Họ làm đủ các ngành nghề, ai thuê gì làm nấy.
Kéo xe, bốc hàng, xe ôm… đều là những nghề không thiết yếu, bắt buộc phải tạm dừng trong thời gian cách ly xã hội. Trong chiều 15/4, Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia về việc tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội ít nhất đến ngày 22/4 đối với Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố khác.
Nguyễn Văn Tường là một lao động bốc hàng tại chợ Đồng Xuân. Khi chợ Đồng Xuân đóng cửa từ ngày 29/3 để phòng dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc anh cũng không có việc làm từ đó đến nay. Ngày ngày, Tường quanh quẩn tại xóm trọ, chờ đợi thông tin chợ mở cửa để quay lại công việc.
Những chiếc xe kéo, công cụ lao động chủ yếu của cư dân xóm trọ được xếp thành dãy dài. Đã nhiều ngày qua, cả người và xe đều ế việc.
Thiều Viết Khánh, tài xế xe ôm công nghệ, đã tạm thời nghỉ việc được gần 2 tuần. Những ngày nghỉ việc, anh dành phần lớn thời gian trong căn phòng trọ chật hẹp, thức giấc, nấu cơm rồi tìm những trò giải trí trên smartphone. Khánh chia sẻ vì không có thu nhập trong thời gian này nên anh đã phải tiêu vào số tiền tích góp trước đây để có thể trang trải cuộc sống.

Có nhiều lý do khiến những người lao động ngoại tỉnh này lựa chọn không về quê. "Về quê chẳng may sẽ lây bệnh cho gia đình, dù sao Hà Nội cũng là một thành phố đang có dịch", anh Nguyễn Văn Tới (giữa) trăn trở.
Bà Cao Thị Thắng không có nguồn thu nhập nào khác ngoài công việc kéo hàng thuê tại chợ Long Biên. Từ ngày 1/4 đến nay, bà phải lo toan từng bữa ăn hàng ngày. Nhiều lúc biết không nên ra đường vì dịch bệnh nhưng vẫn phải loanh quanh các bãi rác để nhặt chai nhựa, lon... bán lấy tiền thêm thắt bó rau, quả trứng cho bữa cơm. Có những ngày, người phụ nữ này phải vay hàng xóm 20.000 - 30.000 đồng để mua thức ăn.
Bữa cơm hôm nay cũng giống đa số những bữa cơm khác của bà Thắng. Một quả trứng vịt rán, không có nước mắm, bà lại dùng muối để làm gia vị cho bát bí luộc. “Có đạm, có rau thế là đủ rồi”, người phụ nữ 59 tuổi cười nói.
Ông Nguyễn Văn Bình (bên phải) trong căn phòng trọ chừng 10 m2. Những ngày nghỉ dịch, ông vẫn chịu chi phí từ nhà trọ, điện, nước. Ông Bình lo lắng sau khi hết giãn cách xã hội, các tiểu thương không đến chợ Long Biên lấy hàng thì công việc của ông cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Giờ đây ông chỉ mong ngóng ngày hết dịch hoàn toàn.
Hà Nội sẽ tiếp tục giãn cách xã hội thêm ít nhất 1 tuần. Nhóm người bị ảnh hưởng trực tiếp không ai khác chính là lao động nghèo. Sau khi đại dịch đi qua, nếu ai xoay xở được thì sẽ tiếp tục kế sinh nhai, còn không họ sẽ trở về với mảnh ruộng mà mình đã từng dứt bỏ vì lam lũ.

'Tôi hưởng ứng tiếp tục cách ly xã hội để giúp dập dịch triệt để' Nhiều người chia sẻ nếu không đi làm thì gia đình sẽ gặp khó khăn, nhưng ra ngoài thì nguy cơ lây lan dịch bệnh khó lường nên hạn chế tiếp xúc vẫn là giải pháp tốt nhất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội giao 650 tỷ đồng vốn ủy thác giúp người nghèo vượt khó

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác (đợt 1) qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.

Theo Zing News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/multimedia-plus/nguoi-ngheo-thanh-pho-choi-voi-giua-dai-dich-d122092.html