Nguy cơ rủi ro, Lovico Group vay 900 tỷ từ trái phiếu cho Nhà máy điện gió Phong Liệu

23/09/2021 16:34

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh dịch bệnh, tiến độ bị ảnh hưởng, rất khó kịp hoàn thành để hưởng giá FIT... các dự án điện gió đang có nguy cơ gặp rủi ro thời gian tới.

Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu vừa công bố phát hành thành công 914 tỷ đồng trái phiếu, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảm đảm và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.

Theo đó, lô trái phiếu này có kỳ hạn 14 năm (đáo hạn ngày 2/4/2035), lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên là 8%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo (3 tháng/lần), lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,9%/năm.

Các nhà đầu tư điện gió đua vay vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trái chủ mua trọn lô trái phiếu là một tổ chức tín dụng. Thương vụ được thu xếp bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB).

Mục đích của đợt phát hành là nhằm thanh toán các chi phí xây dựng và thiết bị để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Phong Liệu tại xã Tân Thành và Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Nhà máy điện gió Phong Liệu do Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu làm chủ đầu tư, có công suất 48MW với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 9/2019 với diện tích đất sử dụng là 16,51ha (đất sử dụng tạm thời 9,2 ha) và chính thức khởi công vào ngày cuối năm 2019. Theo dự kiến, vào tháng 10/2021 sẽ tiến hành thí nghiệm, hiệu chỉnh và nghiệm thu hoàn thành đóng điện, vận hành phát điện.

Thực tế, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhà đầu tư và các địa phương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị gia hạn giá FIT (ưu đãi) do lo ngại không kịp hoàn thành, vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 vì Covid-19.

Theo các địa phương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khả năng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11/2021 để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 Uscent/kWh, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tuabin gió bị ảnh hưởng (nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ tại nước sở tại, vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng gặp khó do giãn cách xã hội), hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao bất thường... nên rất nhiều dự án điện gió đều đứng trước ngưỡng cửa chậm tiến độ vận hành.

Trên cơ sở đó, các địa phương đề nghị gia hạn thêm lần lượt đến hết năm 2022, quý I/2022 hoặc hết tháng 4/2022.

Thậm chí, theo báo cáo của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) mới đây, do tác động của Covid-19, khoảng 4.000MW dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành thi công với mục tiêu vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 có nguy cơ lỡ thời hạn FIT tháng 11/2021. Hậu quả là khoản đầu tư năng lượng sạch trị giá 6,7 tỷ USD cùng với gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.

Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 đã gây ra sự chậm trễ đáng kể cho việc xây dựng dự án gió vì tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, hạn chế về khả năng di chuyển của người lao động và các vấn đề khác.

Trở lại với Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2019, vốn điều lệ ban đầu 310 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Phong (chiếm 99% ), Công ty Cổ phần Thủy điện Đakrông (0,5%) và bà Lê Thị Ái Loan (0,5%).

Sau đó, đến tháng 11/2019, Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu đã điều chỉnh giảm quy mô vốn xuống còn 50 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu về cơ bản không có sự thay đổi. Tuy nhiên, ngày 29/5/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Phong - công ty mẹ của Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu bất ngờ giải thể, dù vậy, toàn bộ cổ phần của công ty vẫn do nhóm Lovico Group của ông Võ Duy Tấn nắm giữ.

Giữa tháng 6/2020, Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu đã nâng vốn điều lệ lên mức 352 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty Cổ phần Long Việt (chiếm 40% vốn), Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Huy Hoàng (20%), Công ty Cổ phần Thủy điện Đakrông (10%) và ông Võ Duy Tấn cùng bà Lê Thị Ái Loan (30% vốn).

Cập nhật đến ngày 16/8/2021, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu đã được nâng lên mức 427,5 tỷ đồng.

Được biết, ngoài dự án Nhà máy điện gió Phong Liệu, hệ sinh thái của Lovico Group còn phát triển hai dự án điện gió khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là Nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy (cả ba dự án đều được khởi công cùng một ngày 31/12/2021).

Hiện, hai Nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy đã được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1.

 Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguy-co-rui-ro-lovico-group-vay-900-ty-tu-trai-phieu-cho-nha-may-dien-gio-phong-lieu-178280.html