Nhà báo với sứ mệnh tuyến đầu trong đại dịch Covid-19

18/06/2021 16:01

Kinhte&Xahoi Hoạt động nghề nghiệp hết mình của các nhà báo để thông tin cho thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đoàn kết, kiên cường, mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh.

Suốt hơn một năm rưỡi qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, dịch đang bùng phát đợt thứ tư, nhưng vẫn được khống chế, kiểm soát theo cách mà hiếm có nơi nào trên thế giới thực hiện được. Trong thành công này, phải kể đến vai trò to lớn của báo chí ở tất cả các loại hình. Góp sức trong hàng ngũ những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch, đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã có những ngày tháng sống và làm việc xuyên đêm ở tâm dịch để cập nhật tình hình dịch bệnh kịp thời, chân thực và chính xác nhất. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tuy chưa đến hồi kết, thậm chí tiếp tục cam go, nhưng làm nên những kết quả bước đầu chúng ta giành được tính đến thời điểm này, có đóng góp quan trọng của đội ngũ nhà báo.

Nhà báo sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất có thể.

Nhà báo tuy không trực tiếp chiến đấu "giành giật" sự sống như các thầy thuốc nơi tuyến đầu, nhưng cũng phải dấn thân vào nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Muốn bài viết thực sự “mang hơi thở cuộc sống”, có tính thời sự, không cách nào khác là buộc phóng viên phải nhập cuộc. Nhiều nhà báo đã “xông pha” ở những điểm “nóng”, trong các bệnh viện, ở các khu cách ly, dọc miền biên giới… để tiếp xúc, phỏng vấn nhân vật và đem lại những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động.

Không ít nhà báo đã sớm lăn xả vào tâm dịch trong nhiều ngày, nhiều tháng. Đã có những tác phẩm báo chí ra đời trong thời điểm dịch đang ở “đỉnh”, phóng viên, nhà báo sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất có thể. Thậm chí đã có trường hợp nhà báo không may bị nhiễm Covid-19, đủ thấy nhiều người đã tác nghiệp trong tâm thế của những “phóng viên chiến trường” để kịp thời thông tin đến bạn đọc.

Những nhà báo trực tiếp tác nghiệp về đại dịch không đơn giản chỉ là thực hiện những bài viết, thước phim phản ánh tình hình dịch bệnh nóng hổi, mà còn mang trên mình sứ mệnh: giúp người bên trong khu cách ly yên tâm, giúp người dân bên ngoài hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và khả năng lây lan.

Có thể thấy, chưa bao giờ thông tin báo chí lại được người dân theo dõi sát sao như thời điểm xảy ra dịch Covid-19 và cũng ít có khi nào thông tin trên báo chí lại dồi dào, minh bạch và đồng loạt đến vậy. Để có được số lượng tin bài như vậy, các nhà báo phải “vượt qua chính mình”, nghĩa là chấp nhận đi vào nơi mà nhiều người không dám đến. Có những nhà báo không ngại đến tận giường của khu cách ly để phản ánh đúng thực tế tình hình, kịp thời đẩy lùi nạn tin giả lan truyền trên các mạng xã hội.

Trước thực trạng “ma trận” thông tin về dịch bệnh xuất hiện trên mạng xã hội khiến người dân hoang mang, lo lắng thì thông tin chính thống trên mặt báo đã cho thấy vai trò quan trọng trong định hướng tích cực dư luận xã hội, để mọi người bình tĩnh, không lo lắng thái quá nhưng cũng không chủ quan, thờ ơ trước dịch bệnh.

Năm 2021, nhà báo cũng liên tục cảnh báo tình hình dịch ở một số nước trong khu vực châu Á với các dấu hiệu biến chủng của virus, sự thiếu cảnh giác ở vài quốc gia hay những kinh nghiệm chống dịch có ích. Do đó, những thông tin về tình hình lây nhiễm, cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng tránh, khả năng chữa trị được tiếp nhận từ báo chí rất có ý nghĩa để người dân nâng cao hiểu biết, chia sẻ cho cộng đồng.

Nhờ cập nhật tin tức chính xác, kịp thời, đầy đủ, toàn dân đã nâng cao nhận thức, ý thức tự phòng, tránh dịch bệnh. Đồng thời, nước ta đã kiềm chế số ca nhiễm ở mức khá thấp, hạn chế lây lan trong cộng đồng, chữa trị thành công cho hầu hết các trường hợp bị nhiễm, không để xảy ra “vỡ trận” do dịch.

Thậm chí đã có trường hợp nhà báo không may bị nhiễm Covid-19.

Các nhà báo từ trung ương tới địa phương luôn kịp thời chuyển tải hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về công tác phòng chống dịch, thể hiện sự chỉ đạo liên tục, nhất quán và hiệu quả về công tác này, giúp người dân yên tâm và tin tưởng. Mặt khác, phóng viên còn quan tâm phản ánh những khó khăn, thiếu thốn của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kết nối họ với những tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng.

Cùng với đó, nhà báo còn chú trọng lan tỏa những thông tin tích cực, hành động tử tế, những câu chuyện đẹp trong thời dịch, mang đến sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch. Nhà báo còn thể hiện tính chiến đấu trong việc phát hiện, chuyển tải tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm dịch mới bùng phát đợt đầu tiên.

Từ đầu mùa dịch đến nay, báo chí luôn nhanh nhạy phê phán những biểu hiện thiếu hợp tác trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, sự đồng hành thường xuyên của đông đảo người làm báo trong ghi nhận, phản ánh sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng trong tuyến đầu chống dịch đã mang đến nguồn động viên, cổ vũ rất lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội từ đầu năm 2020 đến nay. Qua ống kính, cảm nhận, ghi chép của phóng viên, còn giúp cho người xem, người đọc, người nghe hiểu thêm về sự căng thẳng, gian lao, hiểm nguy của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và được nhân dân cảm thông, khâm phục.

Một hoạt động “sau mặt báo” rất có ý nghĩa của các nhà báo là đã tổ chức vô số hoạt động hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Nổi bật đi vào lòng người là chính các nhà báo làm cầu nối nhận ủng hộ, tài trợ của các tổ chức và cá nhân nhằm góp thêm tiền bạc, thiết bị, phương tiện trong công tác phòng chống dịch, qua đó tăng nguồn lực chăm lo cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, để nhập vaccine tiêm phòng cho toàn dân, để giúp đỡ những người khốn khó do đại dịch.

Nhiều người tác nghiệp trong tâm thế của những “phóng viên chiến trường” để kịp thời thông tin đến bạn đọc.

Ngoài việc chấp nhận đối mặt với nguy hiểm của loại dịch bệnh COVID-19 , từng nhà báo còn phải chịu những thách thức trên mặt trận thông tin, để có góc nhìn riêng, độc đáo trong tác phẩm báo chí của mình. Chính áp lực đó thôi thúc họ lao vào tâm dịch, sáng tạo và đổi mới không ngừng.

Để góp phần bảo vệ các phóng viên thường xuyên trực tiếp theo dõi, tham gia đưa tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, hàng ngàn phóng viên trong cả nước đã được tiêm vaccine Covid-19. Đây là sự quan tâm sâu sắc của chính quyền đối với đội ngũ phóng viên, những người tuy không phải là lực lượng trực tiếp phòng chống dịch nhưng cũng tham gia tuyến đầu với nhiều rủi ro về sự lây nhiễm. Cho đến nay, các nhà báo Việt Nam cảm thấy may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi chứng kiến đã có hàng trăm phóng viên quốc tế (nhiều nhất là Ấn Độ) thiệt mạng vì đại dịch khủng khiếp này. Nhưng, tác nghiệp đối mặt trước thử thách chưa từng có của các nhà báo khi đưa tin về Covid-19, đó đã là sự dũng cảm, hy sinh.

Nhìn lại bốn đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam vừa qua, có thể nói, lực lượng phóng viên báo chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động ứng phó linh hoạt, sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền; càng khó khăn, càng thách thức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, sứ mệnh vẻ vang của người làm báo càng được thể hiện rõ nét. Hoạt động nghề nghiệp hết mình của các nhà báo để thông tin cho thế giới hiểu hơn về một Việt Nam đoàn kết, kiên cường, mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh. Trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp cùng tinh thần xông xáo, nhiệt thành, không quản ngại vất vả của các nhà báo cả nước đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia chống dịch Covid-19, cũng có thể xem là một cách thiết thực chào mừng kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. 

Đức Nghĩa - Hiếu Nghĩa - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội được mùa lúa Xuân

Thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản thu hoạch xong 100% diện tích lúa Xuân. Năng suất lúa trung bình của toàn TP cán mốc 61,2 tạ/ha, nhiều huyện đạt tới 66 tạ/ha - cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Hà Nội: Dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ cho phép bán hàng mang về

Từ 12h00 ngày 25/5/2021: Tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của Thành phố, cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nha-bao-voi-su-menh-tuyen-dau-trong-dai-dich-covid-19-d158532.html