Nhiều chính sách mới liên quan đến doanh nghiệp và dân sinh có hiệu lực từ tháng 10

28/09/2021 14:30

Kinhte&Xahoi Nhiều chính sách, văn bản mới có liên quan đến doanh nghiệp và đời sống dân sinh sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2021 như: Doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới, mẫu giấy xác nhận để mua nhà ở xã hội...

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới

 Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 15/10/2021; Trong đó, có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 (Ảnh minh họa)

Chính sách đề cập tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm (trước đây chỉ tối đa 3 triệu đồng); Doanh nghiệp nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm (trước đây không quá 5 triệu đồng)… Ngoài ra, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do nữ làm chủ, sử dụng nhiều lao động nữ và là doanh nghiệp xã hội được tăng mức hỗ trợ giá trị hợp đồng tư vấn.

Mẫu giấy xác nhận để mua nhà ở xã hội mới

 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 1/10/2021. Theo đó, ban hành kèm Thông tư này là các mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mới, thay thế cho các mẫu ban hành kèm Thông tư số 20/2016/TT-BXD. Cụ thể: Đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là phụ lục 1 ban hành kèm thông tư này.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên, học sinh trường dân tộc nội trú công lập sẽ sử dụng mẫu đơn số 10 về thuê nhà ở xã hội. Thông tư 09/2021/TT-BXD cũng bỏ yêu cầu người mua lại nhà ở xã hội phải được Sở Xây dựng địa phương xác nhận vào đơn đăng ký mua nhà về việc người này chưa hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở: Áp dụng với các đối tượng là người có công với cách mạng, người lao động trong doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ… (so với quy định cũ, Thông tư 09 đã quy định cụ thể, rõ ràng các đối tượng sử dụng mẫu này)…

Thêm nhiều đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

 Tại khoản 2, Điều 1, Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có hiệu lực từ ngày 24/10/2021, Bộ GD&ĐT đã bổ sung các đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ là: Cơ sở đào tạo sư phạm tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên); Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Trung tâm tin học - ngoại ngữ. Đồng thời, các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ không còn được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 như trước đây.

Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 1 Thông tư này quy định, từ ngày 1/7/2023 tới đây, các kỹ năng nghe, đọc, viết khi thi ngoại ngữ sẽ hoàn toàn được tổ chức thi trên máy tính, không được tổ chức thi trên giấy như trước đây. Riêng kỹ năng nói vẫn được thi trực tiếp hoặc thi trên máy tính như quy định cũ tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-chinh-sach-moi-lien-quan-den-doanh-nghiep-va-dan-sinh-co-hieu-luc-tu-thang-10-178807.html