'Nhiều nơi cử cán bộ sắp nghỉ hưu đi nước ngoài như một sự ban ơn'

05/04/2019 08:57

Kinhte&Xahoi Việc cử cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi nước ngoài như là một sự “ban ơn”, “giải quyết chính sách” là không nên…

Cử cán bộ đi nước ngoài nghiên cứu học tập là để phục vụ cho một quá trình công tác lâu dài, chứ không phải trước khi nghỉ hưu thì đi vài chuyến hoặc một chuyến. Việc cử cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi nước ngoài như là một sự “ban ơn”, “giải quyết chính sách” là không nên…
Ông Lê Như Tiến "cử cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi nước ngoài như là một sự “ban ơn” là không nên"

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong về những tồn tại cần khắc phục, siết chặt trong việc cử cán bộ đi nước ngoài công cán.

Mở đầu cuộc trò chuyện, PV Tiền Phong đã đề cập tới việc vừa qua một số bộ, ngành, địa phương cử các đoàn cán bộ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài, tuy nhiên trong thành phần đoàn có những cán bộ có chuyên môn không phù hợp nội dung chương trình, hoặc cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu.

Thanh tra Chính phủ cũng từng có kết luận thanh tra về việc này, đồng thời chỉ ra “nhiều đoàn có thành phần là những người chuẩn bị nghỉ hưu cho đi nước ngoài mang tính “tri ân”, mời thành phần là người của đơn vị khác không phù hợp nội dung chuyến đi...”.

Sau khi có kết luận trên, chính TTCP cũng đã cử nhiều cán bộ thuộc diện sắp nghỉ hưu đi nước ngoài công cán… Từ chối bình luận cụ thể về việc cử cán bộ đi nước ngoài của TTCP, song ông Lê Như Tiến đã nói về một thực trạng đang tồn tại một số bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

Theo ông Lê Như Tiến, việc cử cán bộ đi nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm là rất nên, tuy nhiên thời gian vừa qua tại một số bộ, ngành, tỉnh thành cử cán bộ công chức không thuộc diện đối tượng, thậm chí cử những cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi nước ngoài như là một sự “ban ơn” thì không nên. Cử cán bộ đi nước ngoài theo các chương trình học tập, làm việc mà cứ như kiểu cử đi để giải quyết chính sách chế độ chứ không phải đi học tập nghiên cứu để phục vụ công việc cho chính các địa phương, bộ, ngành đó. Trong khi ngân sách nhà nước thì như là một chiếc bánh nhỏ nhưng phải chi cho rất nhiều công việc để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội…

“Tôi cũng được biết có những bộ, ngành có cán bộ đi công tác nước ngoài tới ba tháng trong năm; có địa phương, cả một tập thể lãnh đạo kéo nhau đi nước ngoài trước khi nghỉ hưu như là một chuyến “du hí”.… Vấn đề này cũng đã có thống kê và rung tiếng chuông cảnh báo rồi. Hình như họ coi việc đi công tác nước ngoài như là một kiểu "du lịch trá hình", đó chính là vấn đề lợi bất cập hại. Lợi bất cập hại ở chỗ gây tốn tiền ngân sách nhà nước, làm tha hoá cán bộ khi dành ưu tiên cho một số người nào đó như là một sự trả ơn nhau chứ không phải đi nước ngoài để nghiên cứu, học tập để về làm việc tốt hơn” – ông Tiến nói.

Vẫn theo lời ông Tiến, nghiên cứu học tập là để phục vụ cho một quá trình công tác lâu dài, chứ không phải trước khi nghỉ hưu thì đi vài chuyến hoặc một chuyến. Ông Tiến cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng này thì cần có quy định siết chặt hơn.

“Cho nên, tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có những quy định cụ thể về việc cử cán bộ đi nước ngoài. Đi nước ngoài bằng tiền ngân sách thì phải có điều kiện như thế nào thì mới được đi, chứ không phải cứ ngẫu hứng là cử nhau đi. Bên cạnh đó, Luật Công chức cũng cần có quy định và Đảng cũng nên có quy định chặt chẽ hơn nữa về việc đi nước ngoài của cán bộ đảng viên” – ông Tiến đề xuất.

Từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019, Thanh tra Chính phủ đã cử nhiều đoàn cán bộ đi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, học tập tại nước ngoài bằng tiền ngân sách, trong thành phần đoàn có một số lãnh đạo cấp phòng, vụ chuẩn bị nghỉ hưu. Những cán bộ thuộc diện “chờ hưu” nêu trên đều đã được Tổng TTCP ký quyết định, xác định thời gian cho nghỉ hưu.

Theo Tiền Phong/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM