Nhiều quy định về lương, thưởng có tính thực tế hơn tại Luật Lao động 2019
Đây là những điểm mới so trong quy định về tiền lương được nêu tại Luật Lao động năm 2019 so với Luật Lao động năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), Luật Lao động năm 2019 sẽ nhiều quy định mới liên quan tới nguyên tắc trả lương, tiền lương ngừng việc, tạm ứng tiền lương, tiền thưởng và cách chi thưởng…được thiết kế hợp lý và cập nhật với tình hình thực tế hơn.
Nguyên tắc trả lương
Trong Luật Lao động năm 2012, các nguyên tắc chính được nêu là: Trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn.
Trong Luật Lao động 2019, nguyên tắc trên vẫn giữ nguyên và được bổ sung thêm nguyên tắc bảo vệ tiền lương, đó là: Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Đồng thời, Luật Lao động năm 2019 cũng bổ sung nguyên tắc công khai trả lương cho người lao động: Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nội dung và tiền bị khấu trừ (nếu có).
Tiền lương ngừng việc
Trong Luật Lao động năm 2012 quy định: Nếu vì sự cố điện nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn hoặc vì lý do kinh tế thì tiền lương ngừng việc do 2 bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Tại Luật Lao động năm 2019 cũng quy định: Nếu vì sự cố điện nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, vì lý do kinh tế thì tiền lương ngừng việc do 2 bên thỏa thuận.
Tuy nhiên, lộ trình thời gian chi trả đã được nêu cụ thể hơn: Trong 14 ngày làm việc đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu, từ ngày thứ 15 trở đi thì do hai bên thỏa thuận.
Tạm ứng tiền lương
Trong Luật Lao động năm 2012: Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do 2 bên thoả thuận.
Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tại Luật Lao động năm 2019, quy định: Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do 2 bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
Thưởng và cách trả thưởng
Tại Luật Lao động năm 2012, tiền thưởng được quy định là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Còn trong Luật Lao động năm 2019: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. |
Hoàng Mạnh - Theo Dân Trí