Nông sản Việt chinh phục thị trường khó tính Hoa Kỳ

19/07/2019 14:50

Kinhte&Xahoi Nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản chất lượng của Việt Nam đang ngày càng tăng cao tại thị trường Hoa Kỳ. Nắm bắt cơ hội đó, các nhà xuất khẩu trong nước đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Giữa tháng 2 năm 2019, sau hơn 10 năm đàm phán, xoài Việt Nam đã chính thức được cấp phép vào thị trường Hoa Kỳ và nước này trở thành thị trường thứ 40 của xoài Việt Nam. Xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được xuất vào thị trường khắt khe này, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa.

Trái xoài xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của Vina T&T

Sau khi xuất khẩu thành công 3 container xoài đầu tiên sang Hoa Kỳ vào đầu tháng 6/2019, Công ty cổ phần Green Path Vietnam đang tích cực chuẩn bị cho lô hàng xuất tiếp theo.

Theo bà Hương, Tổng giám đốc Green Path Vietnam cho biết xoài xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải đáp ứng 3 yêu cầu: “Một là giá cả. Hai là chất lượng. Ba là yếu tố đặc sắc của bản địa. Chúng tôi phải khai thác tất cả 3 yếu tố, không chỉ chất lượng hay giá cả. Chỉ khi hội tụ cả 3 yếu tố, chúng ta mới có được thị phần tốt tại các thị trường khó tính như Mỹ”.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc của Vina T & T cho biết: Tập đoàn Vina T&T đã xuất khẩu lô 20 tấn xoài đầu tiên sang Hoa Kỳ vào ngày 19/4/2019. Kể từ đó, hàng tuần, Vina T&T đã đều đặn xuất khẩu xoài sang thị trường Hoa Kỳ.

Hiện tại công ty đang xuất khẩu khoảng 10 tấn xoài sang Hoa Kỳ mỗi tuần cho đến khi vụ mùa kết thúc, “Trái xoài sẽ giúp chúng tôi tăng 15 đến 20% doanh thu trong năm 2019”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc của Vina T & T kỳ vọng.

Bên cạnh xoài, một số sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam, như cà phê, chè, gạo, trái cây và rau quả, hạt điều và hạt tiêu cũng được chào đón tại thị trường Hoa Kỳ.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn thứ hai trong 4 tháng đầu năm, với trị giá 110 triệu USD, chiếm 10,1% thị phần. Tuy nhiên, lượng cà phê Việt Nam nhập khẩu trực tiếp vào nước này chỉ chiếm 15%.

Đối với mặt hàng hạt tiêu và hạt điều, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với trị giá lần lượt là gần 53 triệu USD và 295 triệu USD, chiếm tương ứng 18,7% và 32,4% giá trị xuất khẩu.

Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất thế giới do nước này đặt ra. 

Trong khi đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cơ quan này đã hợp tác với Rhee Brothers, một trong những chuỗi phân phối thực phẩm châu Á lớn nhất, để mở rộng đơn hàng cho các sản phẩm của Việt Nam.

Ông Robert Tran, Tổng giám đốc của Công ty tư vấn chiến lược RBNC (Canada) cho biết, mặc dù là một thị trường khó tính, song Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu tiềm năng của nông sản Việt Nam. “Hoa Kỳ không cần sản phẩm giá rẻ, mà họ cần những sản phẩm có giá cả phù hợp, có chất lượng tốt và ổn định”, ông Robert Tran nhấn mạnh.

Như vậy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có được “hộ chiếu” để mở rộng cơ hội sang các thị trường cao cấp khác. Đây là nền tảng để các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tin tưởng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xả triệu mét khối nước vào sông Tô Lịch - như muối bỏ biển?

Giai đoạn cuối của quá trình thí điểm công nghệ Nano - Bioreacto Nhật Bản để xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch, Công ty Thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu mét khối nước từ Hồ Tây ra khu vực này. Tuy nhiên, việc xả nước này bị cho là chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nguồn: Pháp luật Plus