P. Hàng Bạc: Để bộ đôi công trình “khủng” chọc thủng quy hoạch, chính quyền tiếp tay?

24/09/2018 10:16

Kinhte&Xahoi Công trình xây dựng tại số 61 Hàng Bè và công trình số 2 ngõ Trung Yên xây dựng sai phép, có dấu hiệu vi phạm TTXD nghiêm trọng, đe doạ phá vỡ quy hoạch phố cổ nhưng không bị xử lý. Liệu chính quyền có tiếp tay?

Phản ánh đến toà soạn , nhiều người dân cho biết trên địa bàn phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đang tồn tại 2 công trình xây dựng “khủng” là số 61 Hàng Bè và số 2 ngõ Trung Yên, khi xây vượt tầng, có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) nghiêm trọng, đe doạ phá vỡ quy hoạch phố cổ nhưng vẫn không bị xử lý.

Nhận được phản ánh của người dân, PV đã đi khảo sát thực tế và nhận thấy phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác.

Theo đó tại công trình số 61 Hàng Bè thuộc phường Hàng Bạc xây vượt tầng, khoảng 7 tầng + 1 tum, có chiều cao vượt trội hơn hẳn so với các công trình xung quanh. Ngoài ra công trình còn có dấu hiệu sai diện tích sàn.

Trong hình là công trình 61 Hàng Bè, phường Hàng Bạc có dấu hiệu vi phạm TTXD nghiêm trọng.

Tại đây PV ghi nhận công trình đang trong quá trình xây dựng và được che chắn vô cùng cẩn thận. Tại tầng 1, công trình được quây tôn xung quanh kín mít nhưng vô hình chung đã lấn chiếm toàn bộ diện tích vỉa hè phía trước, nằm sát đường lớn, làm cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường vô cùng nguy hiểm.

Công trình số 61 Hàng bè đã xây lên khoảng 7 tầng + 1 tum. Ngoài ra công trình còn có dấu hiệu sai diện tích sàn.

Cách đó không xa là công trình tại số 2 ngõ Trung Yên, hiện tại công trình đã được chủ đầu tư xây lên tầng thứ 8, có chiều cao vượt trội so với các công trình xung quanh. Ngoài ra, công trình còn có dấu hiệu vi phạm về mật độ xây dựng vì hiện tại công trình đang xây dựng hết diện tích đất trong khi đó theo quy định thì mật độ xây dựng tại đây chỉ được cho phép từ 60% -70%.

Công trình tại số 2 ngõ Trung Yên đã xây lên tầng thứ 8.

Một người dân phường Hàng Bạc sống gần công trình này bức xúc cho biết: “Việc xây dựng trên địa bàn phố cổ phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, chúng tôi muốn xây dựng hay cải tạo nhà cửa đều phải xin phép các cơ quan chức năng, nếu chúng tôi chưa được cấp phép mà đã tự ý xây dựng thì đã có cán bộ phường đến ‘hỏi thăm’ rồi. Thế nhưng không hiểu sao các công trình trên đang “đua” rất lớn về số tầng, chiều cao và mật độ cho phép lại không hề bị đình chỉ hay xử lý? Phải chăng ở đây có sự khuất tất gì đó”.

Để có những thông tin khách quan, đa chiều, chiều ngày 18/9, PV Hàng hoá & Thương hiệu HN Online đã có buổi làm việc với cán bộ phường Hàng Bạc. Qua trao đổi với PV, ông Hoàng Thạch Tâm - chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, thừa nhận các công trình trên có sai đúng như báo phản ánh, nhưng khi PV hỏi sâu thêm về phần sai phạm tại các công trình thì ông Tâm lại tìm cách né tránh.

Ông Hoàng Thạch Tâm- chủ tịch UBND phường Hàng Bạc.

Trước đó, PV cũng đã có buổi làm việc với ông Việt, cán bộ Thanh tra xây dựng phường Hàng Bạc. Ông Việt lại cung cấp thông tin rằng công trình số 61 Hàng Bè là sửa chữa cải tạo, trong quá trình sửa chữa cải tạo có sai về diện tích sàn, phường đã lập hồ sơ chuyển lên quận để xử lý còn về công trình tại số 2 ngõ Trung Yên thì xin không nói và mong PV tạo điều kiện. Khi PV xin được cung cấp giấy phép xây dựng cũng như các biên bản xử phạt có liên quan thì vị này từ chối không cung cấp.

Ông Việt cán bộ Thanh tra xây dựng phường Hàng Bạc làm việc với PV sáng ngày 15/9.

Cùng là các công trình xây dựng nêu trên nhưng đã có sự bất đồng, không thống nhất trong câu trả lời của các vị cán bộ phường Hàng Bạc. Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc và đặt ra câu hỏi phường Hàng Bạc và chính quyền phường Hàng Bạc có đang lơ là quản lý khi không nắm rõ được những sai phạm trên địa bàn phường? Liệu có vấn đề gì khuất tất hay không? Chính quyền phường Hàng Bạc đã ở đâu, tại sao công trình xây dựng sai phạm nghiêm trọng như thế lại không bị xử lý? Ai đứng sau “chống lưng”? Phải chăng có sự tiếp tay từ phường Hàng Bạc?

Để bảo vệ di tích lịch sử Quốc gia và có câu trả lời thỏa đáng tới bạn đọc. Yêu cầu UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng xấu trong dư luận , đồng thời quy rõ trách nhiệm cho từng cán bộ để xảy ra tình trạng trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông đến bạn đọc.

Trước đó, nhằm bảo di tích lịch sử cấp Quốc gia, có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử, ngày 24/10/2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội, trong đó nêu rõ các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m... 

Theo Tạp chí HH&TH


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Đống Đa - Hà Nội: Điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, quận Đống Đa đã được các cấp chính quyền đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở. Hàng loạt các tuyến đường, công trình trọng điểm được xây dựng và mở rộng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng hiện đại. Thêm vào đó là các dự án nhà cao tầng, khu dân cư với số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng được đưa vào sử dụng, đã góp phần làm thay đổi quan trọng diện mạo đô thị của Quận.