Phản biện xã hội Dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí cơ sở giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông công lập TP năm học 2022-2023

20/06/2022 20:04

Kinhte&Xahoi Ngày 20/6, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2022 - 2023.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị

Để có cơ sở thu học phí phù hợp với mức thu nhập, khả năng đóng góp của người dân có con theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đề xuất phân loại thành 4 vùng để áp dụng mức chi học phí từ năm 2022-2023.

Vùng 1: Áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thuộc các quận và các phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội (thuộc vùng thành thị theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).

Vùng 2: Áp dụng đối với trẻ em mầm mon, học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thị trấn thuộc các huyện của thành phố Hà Nội (thuộc vùng nông thôn theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ - CP).

Vùng 3: Áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã thuộc thị xã Sơn Tây và các xã thuộc huyện của thành phố Hà Nội (trừ các xã miền núi, thuộc vùng nông thôn theo quy định Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Vùng 4: Áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã miền núi thuộc các huyện của thành phố Hà Nội (thuộc vùng miền núi theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).

Theo đó, phương án đề xuất mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức sàn trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (trừ cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thị trấn). Tuy nhiên, tốc độ tăng mức thu học phí năm học 2022 - 2023 so với năm học 2021 - 2022  ở một số cấp học có mức tăng cao.

Đối tượng dự kiến có mức tăng học phí với số tiền tuyệt đối cao nhất là trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn các phường với mức tăng 145.000 đồng/học sinh/tháng và tỷ lệ tăng là 93,55%. Tổng số đối tượng này trong năm học 2022 - 2023 khoảng 246.577 học sinh/1.085.327 học sinh, chiếm 22,72% tổng số học sinh. Trong đó, cấp học mầm non khoảng 39.597 học sinh, cấp học trung học cơ sở khoảng 207.524 học sinh.

Đối với dự kiến có tỷ lệ về mức tăng học phí cao nhất là học sinh cấp trung học phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn các xã miền núi, với tỷ lệ tăng 316,67% và mức tăng với số tiền tuyệt đối là 76.000 đồng/học sinh/tháng. Tổng số đối tượng này trong năm học 2022 - 2023 khoảng 3.694 học sinh/1.085.327 học sinh, chiếm 0,34% tổng số học sinh. Về quy định áp dụng mức thu học phí, trong trường hợp online năm học 2022 - 2023 bằng 75% mức thu học phí của các cơ sở giáo dục đã được ban hành.

Như vậy, tổng số thu học phí theo mức thu đề xuất năm học 2022-2023 dự kiến khoảng 1.742,390 tỷ đồng, tổng số kinh phí tăng dự kiến khoảng 523,300 tỷ đồng so với tổng thu 1.219,090 tỷ đồng.

Góp ý tại hội nghị, ông Vũ Quang Hào, Chủ nhiệm HĐTV Tổng hợp, phân tích dư luận xã hội cho biết, trong dự thảo Tờ trình cũng như Dự thảo Nghị quyết, mức thu học phí giữa các xã miền núi chênh lệch với khu vực phường đến hơn 6 lần là chưa thỏa đáng nên rất cần xem xét lại mức độ chênh lệch này. Việc thu học phí tại các thị trấn thấp hơn các phường nội thành là hợp lý vì thu nhập và chi phí tại các phường nội thành cao hơn thị trấn. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh tỷ lệ học phí giữa các xã miền núi và các phường, mặc dù số lượng trẻ em theo học các trường mầm non và THCS là khá nhỏ so với các vùng khác thuộc địa bàn Hà Nội.

Còn bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức thành phố lại cho rằng, cần làm rõ cơ sở khoa học khi học phí online lại đóng bằng 75% học phí trực tiếp. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch các khoản chi từ nguồn thu học phí để giám sát, vì lâu nay có rất nhiều sự vụ liên quan đến các khoản đóng của các cháu học sinh. Ngoài ra, cũng cần công khai các khoản thu ngoài học phí như tiền mua điều hòa, sơn sửa lại trường… để phụ huynh hoặc các tổ chức chính trị xã hội giám sát. Việc xã hội hóa, tức là kêu gọi đóng góp thêm của phụ huynh là cần thiết nhưng cần nghiêm cấm hiện tượng gọi là phụ huynh “tự nguyện” đóng góp tiền mua trang thiết bị. Theo bà, việc quan trọng nhất là làm sao học phí phải tương đương với chất lượng giảng dạy của nhà trường nên đề nghị cơ quan quản lý chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay.

Chia sẻ về mức thu, PGS.TS Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm HĐTV về Tôn giáo cho rằng, dự thảo mặc dù đúng với quy định của Nhà nước tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Song mức thu học phí mới chưa đảm bảo hợp lý khi xét theo quan điểm lịch sử cụ thể và trong xu hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, khả năng đồng thuận của nhân dân sẽ không được cao, thể hiện trong một bộ phận giáo viên và trong những tầng lớp nhân dân nghèo ở cả 4 vùng, nhất là ở vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. Theo ông, để công bằng, có hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội cao và để giữ được sự “ngây thơ, trong trắng của học sinh”, nhất là ở cấp mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở thì có thể việc thu học phí sẽ thu theo mức thu nhập của phụ huynh học sinh. Việc này sẽ không khó khi xã hội ít dùng tiền mặt và khi Nhà nước quản lý được thu nhập của từng công dân.

Còn ông Chu Văn Giáp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng lại cho rằng, tăng học phí đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế - xã hội cho nên việc tăng học phí là vấn đề nhạy cảm. Vì, hiện nay rất nhiều thứ đang tăng theo giá xăng. Vùng 1 tăng gần 100% là quá cao. Tăng là cần thiết nhưng cần có lộ trình vì vừa dịch Covid-19, đời sống người dân vẫn còn rất khó khăn.

Cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, các ý kiến sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đối với các quyết sách của thành phố. Cũng như với con em mình, thể hiện tình cảm đối với nhân dân Thủ đô. Đồng chí đề nghị UBND Thành phố tiếp tục hoàn thiện để HĐND TP thông qua trong năm học 2022 - 2023; Đề nghị Sở GD&ĐT tiếp thu và chỉnh sửa lại để Nghị quyết đi vào thực tế của người dân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố khẳng định, tỷ lệ ngân sách trong 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa là lớn nhất. Nghị quyết này là nội dung để cụ thể hóa việc thực hiện, trong đó, lưu ý đến tính đặc thù, cần lưu tâm ở Hà Nội, cần khẳng định rõ đối tượng để áp dụng là cơ sở giáo dục. Trong đó, tình trạng học sinh học trái tuyến từ huyện vào quận là nhiều hoặc từ xã miền núi về thị trấn.

Nhấn mạnh đến yếu tố công khai minh bạch, đặc biệt là những vấn đề từ ngân sách, trong đó có học phí, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục hiện nay, khi học theo yêu cầu mà biên chế giáo viên lại giảm 10% theo hàng năm. Dẫn đến có tình trạng giáo viên thiếu cục bộ ở từng môn, từng khu vực. Do đó, đồng chí cho rằng chúng ta đã nhận diện được và đang điều chỉnh bằng cơ chế, chính sách liên quan, để tháo gỡ từng việc. Trong đó, Ủy ban MTTQ các cấp phải là một kênh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để người dân thực hiện và cùng tham gia giám sát việc triển khai thực hiện.

 Vương Vân - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2852638/phan-bien-xa-hoi-du-thao-nghi-quyet-quy-inh-muc-thu-hoc-phi-co-so-giao-duc-mam-mon-giao-duc-pho-thong-cong-lap-tp-nam-hoc-2022-2023.html