Phát hiện hàng loạt sai phạm "động trời" ở Đại học Ngoại thương

06/03/2020 14:21

Kinhte&Xahoi Thanh tra Chính phủ chuyển cơ quan công an điều tra việc để ngoài sổ sách số tiền 3,2 tỉ đồng liên quan tới chương trình đào tạo...

Ngày 5/3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có thông báo Kết luận thanh tra việc giải quyết tố cáo liên quan tới một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, công tác cán bộ tại Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội.

Quản lý tài chính lỏng lẻo dẫn đến nhiều sai phạm

TTCP cho biết, từ ngày 97/2018 đến ngày 10/9/2018, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Trường Đại học Ngoại thương và làm việc với Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính (thuộc Bộ GD-ĐT), Cục Thuế Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an và các cá nhân, người tố cáo về các nội dung trong Kế hoạch thanh tra đã được Tổng TTCP phê duyệt. Trưởng Đoàn thanh tra đã có Báo cáo kết quả thanh tra ngày 30/11/2018.

Sai phạm ở trường Đại học Ngoaị Thương là rất lớn.

Cụ thể, kết quả xác minh, rà soát các nội dung tố cáo cho thấy nhiều sai phạm tại ngôi trường này. Theo đó, nhà trường liên kết đào tạo đại học tại chức với Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Handico) là đơn vị không có chức năng đào tạo.

Năm 2007, Đại học Ngoại thương Hà Nội ký 3 hợp đồng liên kết đào tạo đại học tại chức với Handico, trong khi Handico không có chức năng đào tạo là trái với Điều 45, Điều 46, Luật Giáo dục 2005 quy định về vừa học, vừa làm, ngoài ra Đại học Ngoại thương Hà Nội còn thỏa thuận giao cho Handico quản lý lớp học, thu học phí, cử cán bộ tham gia giảng dạy và có thể mời giáo viên giảng dạy các môn khi có sự đồng ý của nhà trường là không đúng quy định tại Điều 58 Luật Giáo dục 2005.

Năm học 2006-2007, nhà trường quy định và thực hiện thu mức thu học phí cao hơn quy định của Nhà nước; các năm từ năm học (2007-2008) đến năm học (2012-2013), nhà trường đều quy định thu thêm khoản “hỗ trợ đào tạo” đối với những học viên không phải là cán bộ, viên chức đi học.

TTCP chỉ ra, các quy định trên là không đúng với quy định tại Điều 3, Quyết định số 70/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân… Tổng số tiền đã thu sai quy định của 2 khoản trên là hơn 2,8 tỷ đồng.

TTCP cũng làm rõ nội dung tố cáo Khoa sau đại học (SĐH) thuộc Đại học Ngoại thương Hà Nội đã vi phạm trong quản lý thu chi về các lớp ôn thi cao học.

Cụ thể, từ 2009 đến 4/2012, Khoa SĐH đã tổ chức thu, chi tiền ôn thi cao học là trái Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường; sử dụng thẻ học viên để thu tiền là vi phạm về “Mẫu chứng từ kế toán bắt buộc...”; Để ngoài sổ kế toán hơn 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhà trường còn cho phép khoa SĐH thu tiền, không hướng dẫn, không kiểm tra, chỉ thu khoản nghĩa vụ đóng góp của Khoa cho nhà trường hàng năm là trái Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường và các quy định về kế toán.

Không dừng lại, Đại học Ngoại thương Hà Nội còn tự ý ban hành quyết định phạt đối với những học viên chậm nộp tiền học phí, số tiền hơn 1,3 tỷ đồng thu từ hơn 2.400 học viên đến này vẫn chưa được nộp lại.

Liên kết đào tạo, để tiền ngoài sổ sách

TTCP cho biết, qua thanh tra Chương trình liên kết đào tạo của nhà trường với Trung Quốc giai đoạn 2006-2013 cho thấy có nhiều sai phạm.

Cụ thể, giai đoạn 2006-2013, nhà trường đã ký 32 hợp đồng đào tạo với 10 cơ sở đối tác của Trung Quốc, toàn bộ giá trị trên họp đồng được tính bằng USD, mỗi hợp đồng quy định nhiều khoản thu do nhà trường thu.

Thực tế, trường đã đào tạo 1.068 sinh viên, tổng số tiền phải thu theo hợp đồng là hơn 1,1 triệu USD. Phòng Kế hoạch tài chính nhà trường chỉ thu 2 khoản là học phí và ký túc xá (hơn 19 tỷ đồng).

Trong số tiền Đại học Ngoại thương đã thu qua thanh tra cho thấy từ 9/2006 đến 3-2010, bà Đào Thị Thu Giang (Trưởng phòng Kế hoạch tài chính) đã giao cho bà Nguyễn Thị Hoa thu của 224 sinh viên, thuộc 8 hợp đồng với 8 đơn vị khác nhau trong Chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc, số tiền 197.200 USD (tương đương 3,2 tỷ đồng) không nhập quỹ, không ghi sổ kế toán của nhà trường.

Sự việc bị phát hiện, đến ngày 8/5/2013, Phòng Kế hoạch tài chính mới lập (Phiếu thu số T06/05) thu số tiền hơn 3 tỷ đồng vào quỹ tiền mặt của nhà trường và hạch toán là thu nhập bất thường năm 2013.
 
“Việc để ngoài sổ sách 197.200 USD (tương đương hơn 3,2 tỷ đồng) thu từ Chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc từ 9-2006 đển tháng 5/2013 đã là vi phạm quy định Luật Kế toán; Luật Ngân sách nhà nước và có dấu hiệu tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, thông báo TTCP nêu rõ.

TTCP cũng làm rõ nội dung thu tiền của một số cán bộ tham gia Dự án Mutrap III-FTU2. Theo đó, Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu quyết định chi 221 triệu đồng phụ cấp cho cán bộ tham gia quản lý dự án, trong đó có người được chi trả không có tên trong danh sách người quản lý dự án theo quyết định ban đầu càng làm tăng thêm bất bình đẳng trong trường, gây bức xúc cho người bị thu lại tiền lương, việc này là trái pháp luật, không đúng thủ tục theo quy định của Luật kế toán.

Đối với nội dung thu tiền của một số cán bộ đi học tại nước ngoài (số tiền hơn 491 triệu đồng), TTCP khẳng định là trái quy định, không có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, việc này chưa có căn cứ để nói hiệu trưởng vụ lợi với số tiền trên.

Quá trình thanh tra cho thấy, năm 2009, tại Nhà B, nhà trường đã phê duyệt đầu tư 3 dự án cải tạo, sửa chữa, nhưng TTCP nhận thấy việc giải trình thiếu thuyết phục; Tài liệu trong hồ sơ các dự án sơ sài, phần kinh nghiệm của nhà thầu không có tiêu chí cụ thể; Công ty Thành Hưng (đơn vị được chỉ định thầu) mới được thành lập (7/2009) và chỉ mới ký được một hợp đồng sửa chữa trị giá 150 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Hoàng Công Bảo, Trưởng Phòng Quản trị Thiết bị nhà trường là cổ đông sáng lập của Công ty Thành Hưng - đơn vị được nhận chỉ định thầu cả 3 công trình năm 2009 tại Nhà B đã vi phạm Luật Đấu thầu 2005 và vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng 2005 về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

TTCP nhận định, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng trong thời kỳ 2005-2015, với vai trò là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trong việc quản lý điều hành, Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất giai đoạn 2009-2013, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính 2009-2013, Trưởng phòng Quản trị Thiết bị giai đoạn 2009-2013.

Vi phạm trong bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công tác cán bộ

TTCP cho biết, các nội dung tố cáo về công tác cán bộ đã được xác minh. Cụ thể, giai đoạn 2005-2013, Đại học Ngoại thương Hà Nội không có quy định về quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm viên chức quản lý các đơn vị trực thuộc; Hiệu trưởng ký Quyết định số 1796 năm 2013 ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức và miễn nhiệm viên chức quản lý các đơn vị trực thuộc nhà trường là vi phạm quy định về độ tuổi quy định tại Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm ban hành theo Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ và Điều lệ trường đại học; vi phạm quy định về quy trình tại Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm.

Từ 2005-2015, Đại học Ngoại thương Hà Nội không có quy hoạch đối với chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, là chưa thực hiện quy định của Đảng về quy hoạch cán bộ. Trách nhiệm thuộc về Bí thư, Hiệu trưởng, Đảng ủy nhà trường giai đoạn 2005-2015 và Ban cán sự Đảng (Bộ GD-ĐT) từ 2005-2015.

TTCP cho hay, Hiệu trưởng và Đảng ủy Đại học Ngoại thương Hà Nội đã thực hiện quy trình, đề xuất và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định bổ nhiệm lại chức danh Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015-2020 khi bà Đào Thị Thu Giang không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhiệm kỳ 2010- 2015; điều này là vi phạm quy định về điều kiện bổ nhiệm lại công chức trong thời gian giữ chức vụ tại Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng vi phạm khi tiến hành bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015-2020 khi bà Lê Thị Thu Thủy không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhiệm kỳ 2010-2015…

TTCP cho rằng, trách nhiệm để xảy ra vi phạm tại Đại học Ngoại thương Hà Nội thuộc về lãnh đạo nhà trường giai đoạn 2005-2015. Trực tiếp là Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Quy, Phó Hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và các cán bộ tham mưu khác.

Chuyển Bộ Công an điều tra tiếp

Từ những sai phạm trên, TTCP chuyển hồ sơ đã thu thập để Cơ quan điều tra, Bộ Công an tiếp tục làm rõ, xử lý theo pháp luật việc để ngoài sổ sách 197.200 USD (tương đương hơn 3,2 tỷ đồng) từ 9/2006 đến tháng 5/2013 từ Chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc, có dấu hiệu tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

TTCP cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT thống nhất với Bộ Tài chính để xử lý khoản thu tiền phạt chậm nộp học phí trái thẩm quyền chưa trả lại cho người nộp số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Bởi theo TTCP, thời gian đã trên 5 năm, số lượng người nộp lớn, việc trả lại cho người nộp là không thể thực hiện được.

TTCP cũng kiến nghị Đại học Ngoại thương Hà Nội trả lại cho người thụ hưởng số tiền hơn 491 triệu đồng thu của các giảng viên đi học theo Chương trình tiên tiến vì việc thu không có cơ sở pháp lý và khoản chi đã quyết toán với Ngân sách nguồn chi Chương trình tiên tiến.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/phat-hien-hang-loat-sai-pham-dong-troi-o-dai-hoc-ngoai-thuong-d118762.html