Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng: Công tác phòng, chống dịch thành công hay thất bại đều từ cơ sở

23/09/2022 18:37

Kinhte&Xahoi Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức và chỉ đạo các nhà trường vận động cha mẹ phụ huynh học sinh đồng thuận cho con em mình thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Ngày 23/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì giao ban trực tuyến với các đơn vị, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì hội nghị

Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi

 Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, về tình hình dịch bệnh COVID-19, tính đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.629.076 ca mắc, trong đó có 292 ca nhập cảnh, đã thực hiện giám sát 404 mẫu xét nghiệm gen. Hiện Omiron vẫn đang là chủng lưu hành chính, trong đó BA.5 đang có xu hướng gia tăng. Trong 7 ngày qua (từ ngày 15 đến 21/9/2022) có 2.539 ca mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; Trung bình ghi nhận 363 ca bệnh/ngày, số mắc giảm 7,5% so với tuần trước.

Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tính đến ngày 21/9/2022, thành phố tiếp nhận, phân bổ 17.982.623 liều vắc xin, trong đó tỷ lệ đã sử dụng 17.971.270 liều (99,9%), còn 11.353 liều (0,1%) hiện đang tiếp tục triển khai tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 4 đạt 76,5%. Trẻ em từ 12 đến 18 tuổi đã tiêm mũi 3 đạt 53,7%. Trẻ em từ 5 đến 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 75,3%, mũi 2 đạt 45,9%.

“Mặc dù thành phố đã quyết liệt triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng vẫn đang chậm, đặc biệt là tiến độ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, về tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue, cộng dồn năm 2022 có 3.800 ca mắc, 5 ca tử vong; Số ca mắc tăng 1,8 lần so với số ca mắc trung bình 5 năm. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440 xã, phường, thị trấn, trong đó một số đơn vị ghi nhận số mắc bệnh cao là Thanh Oai (334 ca), Đống Đa (269 ca), Thanh Trì (247 ca), Đan Phượng (246 ca)… Trong những tuần gần đây, số ca mắc bệnh đang có dấu hiệu gia tăng nhanh, ở mức gần 800 ca bệnh/tuần. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, đã có dấu hiệu vượt qua ngưỡng cảnh báo nguy cơ dịch và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương báo cáo tại hội nghị trực tuyến

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.807 trường mầm non, phổ thông và 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với 2.194.859 học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc tiêm triển khai công tác tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh theo chỉ đạo của thành phố.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi trên địa bàn thành phố theo đúng kế hoạch.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Sơn Tây… cho biết, số ca mắc COVID-19 đã giảm so với tháng trước; Số tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-12 tuổi còn thấp so với yêu cầu.

Tránh tình trạng chủ quan, lơ là

 Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhận định, báo cáo của Sở Y tế đã khá rõ về tình hình dịch trên địa bàn thành phố. Hà Nội hiện vẫn đang kiểm soát tốt các dịch bệnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 cũng như dịch sốt xuất huyết vẫn có diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết có số ca mắc tăng, do đó các địa phương đơn vị phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của thành phố tại các văn bản và các cuộc họp, quyết tâm không để các loại dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chủ Xuân Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng. Các địa phương, các ban chỉ đạo phòng, chống dịch cần tập trung, tiếp tục nâng cao trách nhiệm, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên, tập trung công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng tiêm ở các độ tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổng hợp số liệu và có giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục công tác rà soát, sẵn sàng việc tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhấn mạnh vai trò của các nhà trường rất quan trọng đối với kết quả công tác tiêm chủng, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức và chỉ đạo các nhà trường vận động cha mẹ phụ huynh học sinh đồng thuận cho con em mình thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, số mắc gấp 1,8 lần so với số mắc trung bình 5 năm trước, Sở Y tế tiếp tục rà soát, đôn đốc các địa phương xây dựng đề án phòng chống sốt xuất huyết. UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn, rà soát, kiện toàn, thành lập các tổ cộng tác viên, đội xung kích diệt bọ gậy, tuyên truyền giám sát các phương án phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Các quận, huyện giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền gắn với nhiệm vụ cụ thể trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình có vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy; Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã… giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc; kiên quyết xử lý các cá nhân chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ; Chủ động bố trí nguồn lực theo phương châm tại chỗ, kịp thời báo cáo vướng mắc. Sở Y tế tiếp tục tổng hợp, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đưa thông tin về bệnh dịch; Triển khai tốt công tác thu dung điều trị bệnh nhân cũng như chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về thuốc, chăm sóc người bệnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người bệnh không có thuốc…

Sở Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục tuyên truyền đến đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh, cha mẹ học sinh về công tác phòng chống dịch, trong đó có dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết... Đặc biệt tại các cơ sở trường học phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch. Các sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ đã được phân công chủ động rà soát công việc cần làm.

“Mọi công việc phòng, chống dịch thành công hay thất bại đều từ cơ sở; Tránh tình trạng đùn đẩy, trông chờ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng khẳng định.

 Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vận động ủng hộ ''Quỹ vì người nghèo'' TP Hà Nội năm 2022

Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã có thư ngỏ gửi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô vận động ủng hộ "Quỹ vì người nghèo" thành phố Hà Nội năm 2022.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/pho-chu-tich-ubnd-tp-chu-xuan-dung-cong-tac-phong-chong-dich-thanh-cong-hay-that-bai-deu-tu-co-so-206450.html