Quy hoạch Thủ đô: Nhiều cây xanh, đường phải thẳng…

09/03/2022 08:09

Kinhte&Xahoi Cách đây 2 ngày, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đường HOàng DIệu - một con đường nhiều cây xanh của Hà Nội.

Không nói thì ai cũng biết, vị trí quan trọng của Thủ đô đối với cả nước. Khác với Thủ đô nhiều nước trên thế giới, thủ đô chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia; Thủ đô Hà Nội được xác định là trung tâm toàn diện từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện nay, Hà Nội còn có sứ mệnh là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng trong cả nước. Nói chung đó vừa là vinh dự nhưng cũng vừa là trách nhiệm nặng nề đối với cả nước.

Tất nhiên, quy hoạch, quản lý quy hoạch; xây dựng và phát triển Thủ đô không phải là việc riêng của Hà Nội – với tư cách là một chính quyền địa phương, mà đó là việc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến Hà Nội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quy hoạch Thủ đô. Ngày 12/9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Phát biểu trong cuộc họp, Người nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội. Người chỉ rõ yêu cầu quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp. Ngày 16/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội và mở rộng ngoại thành.

Xin lưu ý, đây là thời điểm miền Bắc còn hết sức khó khăn, mới sau 5 năm Chiến thắng Điện Biên phủ.

Xây dựng Hà Nội là vì cả nước. Do vậy, các đây 10 năm, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Cũng cách đây 10 năm, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (năm 2012). Cũng cách đây 14 năm, Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, để mở rộng không gian phát triển Hà Nội. Không chỉ bằng văn bản, cả nước tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển Thủ đô. Cứ nhìn các cầu bắc qua sông Hồng đã đủ nhận biết, phần lớn đều được đầu tư bằng ngân sách Trung ương hoặc vốn vay ODA của đất nước.

Tuy nhiên, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế sau mở rộng, nhất là tiềm năng, thế mạnh về không gian phát triển và nguồn lực đất đai, nguồn lực con người; chưa tận dụng hết cơ hội do hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; chưa phát huy hết nguồn lực, thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường lao động của Thủ đô. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó có quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Du lịch cộng đồng; Làng du lịch thông minh; Du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quy-hoach-thu-do-nhieu-cay-xanh-duong-phai-thang-d177839.html