Quyền lợi người lao động, doanh nghiệp nên biết trong dịch bệnh Covid-19

27/03/2020 10:47

Kinhte&Xahoi Hiện dịch bệnh Covid-19 đã khiến rất nhiều doanh nghiệp (DN) phải ngừng sản xuất kinh doanh, cho nhân viên nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ làm. Do đó, doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) cần lưu ý những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình... để cùng vượt qua dịch bệnh Covid-19.

NLĐ được hưởng lương theo thỏa thuận

Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) cho biết, theo quy định tại Điều 98, Bộ Luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động được phép cho NLĐ ngừng việc nhưng với điều kiện phải trả lương.

Trong đó, tiền lương ngừng việc được quy định như sau: Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì NLĐ được trả đủ tiền lương. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương. Còn những NLĐ khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Trong trường hợp vì sự cố điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm... thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Do đó, theo quy định nêu trên, nếu NLĐ phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch Covid-19 thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với DN, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Bên cạnh đó, theo điểm c, khoản 1, điều 38 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

Tuy nhiên, trước khi chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động phải báo cho NLĐ biết trước it nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Trong trường hợp NLĐ đang làm việc bình thường mà phải ngừng việc do cách ly vì dịch bệnh (không do lỗi của NLĐ lẫn người sử dụng lao động) thì NLĐ được nhận lương ngừng việc với mức do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nhiều hỗ trợ cho NLĐ, đơn vị tham gia BHXH

Trước những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 khi tình hình sản xuất đình trệ, BHXH Việt Nam đã có nhiều đề xuất trình Chính phủ, bộ ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ, đồng thời, kịp thời chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện các nghiệp vụ hỗ trợ DN, người lao động.

Bên cạnh việc thanh toán BHYT, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, các DN, đơn vị thuộc diện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất khi: Gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho NLĐ.
 
Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; Hoặc bị thiệt hai trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

Để thực hiện, DN có văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất kèm theo văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại gửi cơ quan BHXH để tạm dừng tính thu quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN.

Trong đó, thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc đối với DN thuộc UBND địa phương quản lý, do cơ quan LĐ-TB&XH địa phương xác định.

 Đối với DN thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, do Bộ, ngành xác định, số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc được tính so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh.

Còn thẩm quyền xác định giá trị tài sản bị thiệt hại đối với DN thuộc UBND địa phương quản lý, do cơ quan Tài chính địa phương xác định. Đối với DN thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, do cơ quan tài chính của Bộ, ngành hoặc Bộ Tài chính xác định. Giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của DN, cơ quan xác định số lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc, hoặc cơ quan xác định giá trị tài sản bị thiệt hại có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời DN.

Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra, nếu DN không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hằng tháng đôn đốc DN đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ TNLĐ-BNN, quỹ BHYT và BH thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đặc biệt, kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh, BHXH các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tránh lạm dụng, trục lợi.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đang đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian cách ly.

Theo đó, NLĐ, DN cần lưu ý những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình để cùng vượt qua dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, NLĐ nên làm theo các khuyến cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế... để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phó Thủ tướng - Trưởng BCĐ phòng chống Covid-19 Vũ Đức Đam: Hà Nội phối hợp làm rất tốt!

Nguy cơ lây nhiễm đối với những người ngồi cùng chuyến bay, những người trong gia đình, hàng xóm và những người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid19 sẽ ở mức độ nào? Bộ Y tế đã giải đáp chi tiết trong cuộc họp mới nhất. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 - cũng nhận xét: Hà Nội phối hợp làm rất tốt!

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quyen-loi-nguoi-lao-dong-doanh-nghiep-nen-biet-trong-dich-benh-covid-19-d120307.html