Quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam được bảo vệ đến mức nào?

03/10/2020 07:58

Kinhte&Xahoi Việt Nam là quốc gia có chỉ số trao quyền cho người tiêu dùng ở mức trung bình thấp trong khu vực Đông Nam Á. Đó là lý do cần phải có thêm nhiều hoạt động thực thi nhằm nâng cao hơn quyền lợi này.

Quyền lợi NTD phải được đặt ở vị trí trung tâm trong phát triển DN.

Chưa được chú trọng đúng mức

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (VCCA) hiện có 4 phương thức nhận khiếu nại từ người tiêu dùng (NTD) nhưng số lượng cuộc gọi tổng đài tư vấn hỗ trợ thường là cao nhất và ngày càng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2011 tổng đài chỉ nhận được 26 cuộc gọi nhưng đến năm 2020 đã có gần 8.000 cuộc gọi cần tư vấn, khiếu nại của NTD. 

Hầu hết, các phản ánh liên quan đến dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng; hàng hóa tiêu dùng hàng ngày; dịch vụ điện thoại, viễn thông... Gần đây phát sinh thêm nhiều cuộc gọi liên quan đến việc hoàn hủy vé máy bay do NTD gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo đại diện VCCA, những phản ánh về vé máy bay là hoàn toàn mới, do đó ngay khi nhận được phản ánh, VCCA đã làm việc với các hãng bay để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD.

Một cuộc hội nghị trực tuyến dành riêng về vấn đề này cũng được tổ chức giữa Cục, các hãng bay và một tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ NTD của Úc chỉ để nhằm xác định rõ ràng trách nhiệm của các hãng bay trong việc hoàn hủy vé của NTD do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, các hội nghị dạng này không nhiều và thường không kịp thời nên quyền lợi NTD vẫn chưa thực sự được hỗ trợ ở mức độ cao. Bà Phạm Quế Anh - chuyên gia Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết, mức độ trao quyền cho NTD ở Việt Nam đạt 82,96 điểm. Đây là điểm ở mức trung bình theo Chỉ số trao quyền cho NTD trong ASEAN. 

Theo chỉ số này, một quốc gia đạt 104-130 điểm thì NTD ở nước đó có thể được coi là mức độ trao quyền cao; một quốc gia đạt 78 - 103 điểm thì đó là mức độ trao quyền trung bình và nếu đạt dưới 78 điểm là mức độ trao quyền thấp.

“Mức độ trao quyền của Việt Nam đang ở mức 82,96 là mức trung bình trong khu vực, nên đòi hỏi sự đầu tư, quan tâm của Chính phủ và sự đồng lòng của xã hội trong bảo vệ NTD” - bà Quế Anh nói.

Ông Daniel Hermann, đại diện Dự án bảo vệ NTD khu vực ASEAN của GIZ cũng cho rằng, cần ưu tiên quan tâm nguồn lực trong bảo vệ NTD bởi chỉ số trao quyền NTD ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình thấp.

Đặt người tiêu dùng ở vị trí trung tâm

Mới đây, VCCA đã tổ chức triển khai Chương trình Doanh nghiệp (DN) vì NTD nhằm xây dựng, hỗ trợ DN nhận thức và nâng cao hiệu quả bảo vệ NDT.

DN tham gia hội nghị đã được cập nhật các thông tin chi tiết, cụ thể về đối tượng, mục tiêu, cách thức và giá trị lợi ích khi tham gia các hoạt động bảo vệ NTD. Trên cơ sở đó, có thể xây dựng chiến lược tham gia phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ NTD.

Theo các chuyên gia, để có thể cải thiện hơn nữa chỉ số trao quyền cho NTD, cần sự nỗ lực nhiều đơn vị liên quan, đặc biệt là trách nhiệm cộng đồng của DN.

Trong đó, những vấn đề mà DN cần phải quan tâm thực thi là tôn trọng nghĩa vụ cung cấp sản phẩm chất lượng, xây dựng các điều khoản không mang tính áp đặt, xây dựng cơ chế dễ dàng, thuận tiện để NTD phản ánh khiếu nại; bồi hoàn tài chính hoặc có trách nhiệm với NTD nếu gặp phải sản phẩm kém chất lượng…

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng VCCA  cho rằng, bảo vệ quyền lợi NTD còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Do đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD là một trong 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Chỉ thị 30-CT/TW.

Hiện nhiều DN đã ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD khi luôn có các thông điệp đưa ra với NTD đồng thời có các cam kết mang lại cho NTD những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn nhất.

Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn TH, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ, mới đây, TH đã đề xuất lên các bộ, ngành đề nghị ghi rõ xuất xứ nguồn nguyên liệu trên bao bì sản phẩm để NTD có cơ hội lựa chọn những sản phẩm phù hợp, an toàn nhất.

Đặc biệt, đường dây nóng hoạt động 24/24 luôn kịp thời ghi nhận và giải quyết các thắc mắc, phản ánh của NTD. 

 Nhật Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quyen-loi-nguoi-tieu-dung-viet-nam-duoc-bao-ve-den-muc-nao-d136773.html