Quyết liệt, mạnh mẽ, tận dụng “thời gian vàng” để dập dịch Covid-19

30/07/2021 16:33

Kinhte&Xahoi 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội được xem như là “thời gian vàng” nhằm triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, muốn tận dụng “thời gian vàng” giãn cách này, càng phải siết thật chặt kỷ cương cũng như thực thi các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Thành phố rất cần sử ủng hộ chung sức đồng lòng của người dân nhằm tận dụng thời gian vàng giãn cách để dập đợt dịch thứ tư hiện nay

Vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ giãn cách

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 28-7 giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy ngày 27-7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nêu rõ, sẽ cho phép địa bàn nguy cơ cao được áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 17. Theo Chủ tịch UBND thành phố, sau 4 ngày triển khai thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, kết quả kiểm tra cho thấy, có nơi làm rất tốt, có nơi chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là; có hiện tượng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát...

Thực tế mà người đứng đầu Chính quyền thành phố chỉ ra có thể thấy ở nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô những ngày triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Dù tuyệt đại đa số người dân đã đồng tình, ủng hộ các biện pháp chống dịch của thành phố bằng cách tự giác chấp hành nghiêm yêu cầu “gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định”.

Theo đó, người dân thành phố những ngày qua đã ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác. Khi ra ngoài trong trường hợp cần thiết đã thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng…

Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp thiếu tự giác, chưa tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch. Lực lượng chức năng ở thành phố những ngày qua đã giải thích, nhắc nhở người dân tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến phố Đào Tấn (quận Ba Đình), lực lượng chức năng trong sáng ngày 29-7 đã phát hiện nhiều trường hợp người dân ra đường không có lý do chính đáng, trong đó có hai cô gái trẻ ra ngoài với lý do đi mua điện thoại. Sau khi giải thích rõ đây không phải là trường hợp cần thiết được phép ra ngoài, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát đã lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính hai cô gái số tiền 4 triệu đồng.

Đáng chú ý, vào chiều tối ngày 28-7, một cặp vợ chồng đi xe máy khi bị Tổ công tác của UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) làm nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 đặt ở đầu ngõ 108 Nghi Tàm không cho qua vì lý do không chính đáng đã có có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Hai người này đã bị xử phạt hành chính kịch khung 3 triệu đồng mỗi người và chuyển hồ sơ lên công an quận Tây Hồ để xem xét xử lý về hành vi Gây rối trật tự công cộng và Chống người thi hành công vụ.

Công an thành phố Hà Nội ngày 27-7 cho biết, trong ngày thứ 5 thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng đã xử phạt 898 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, đa số là các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, cơ sở kinh doanh không chấp hành dừng hoạt động. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử phạt hành chính 724 trường hợp với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng về các hành vi vi phạm khác như: Không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách...

Rất cần sự chung sức đồng lòng của người dân

Có thể thấy, trong khi đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ và tự giác tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố, vẫn có những trường hợp vi phạm. Trong bối cảnh, tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội còn diễn biến rất phức tạp, khó lường thì những vi phạm có thể khiến tình hình dịch bệnh thêm căng thẳng, gây khó khăn cho việc thực hiện “thời gian vàng” giãn cách để chống chế, dập dịch.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 28-7 đến 12h ngày 29-7, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 39 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó, từ 6h đến 12h ngày 29-7, ghi nhận 26 trường hợp gồm 7 ca tại cộng đồng và 19 ca tại khu cách ly tập trung. Cộng dồn số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 tới 12h ngày 29-7) là 974 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 595 ca với nhiều chùm ca bệnh phức tạp, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 379 ca. Trong tình hình mới của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, chúng ta cần rất quyết liệt, mạnh mẽ hơn vì đợt dịch này là chủng mới lây lan rất nhanh, có thể lan mạnh ra các địa bàn khác. Tại những nơi có các chùm ca bệnh, số người nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh, cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo một số giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay để chấn chỉnh; yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá toàn diện và bảo đảm thực hiện đúng, thực hiện đủ từng nội dung Chỉ thị số 17. Thường trực Thành ủy yêu cầu, lấy hiệu quả thực hiện làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ.

Nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Chỉ thị 17, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nêu rõ, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và UBND thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, phạm vi, lĩnh vực phụ trách; không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Các cấp, ngành đồng loạt tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ trên toàn địa bàn, bảo đảm chặt chẽ từ cơ sở; trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định “chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết” và việc bảo đảm số lượng người đi làm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính quyền thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17 đối với địa bàn có nguy cơ cao. Đây là thẩm quyền đã được thành phố phân cấp cụ thể.

Trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc hiện nay, cũng rất cần sự đồng lòng nhất trí và ủng hộ của người dân với tinh thần “mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch”. Cùng với quyết tâm, nỗ lực và biện pháp mạnh mẽ, đúng đắn của thành phố thì ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô trong lúc này là vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm tận dụng “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát, dập đợt dịch thứ tư hiện nay.

 Hoàng Hà- ANTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sở Công thương Hà Nội lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa

Để thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, Sở Công thương Hà Nội đã lập danh sách 700 người sử dụng xe môtô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp.

link bài gốc https://anninhthudo.vn/quyet-liet-manh-me-tan-dung-thoi-gian-vang-de-dap-dich-covid-19-post474988.antd?