Sáng 29/5, Việt Nam không có ca mắc mới, còn 8.869 người đang cách ly y tế phòng dịch COVID-19

29/05/2020 10:16

Kinhte&Xahoi Tính đến 6 giờ sáng 29/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, đã 43 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, giữ nguyên tổng số 327 ca.

Hành khách nhập cảnh được đưa về nơi cách ly tập trung. Ảnh: TTXVN

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 8.869 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 49; cách ly tập trung tại cơ sở khác 7.008; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.812 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 17 ca.


Hành khách nhập cảnh được đưa về nơi cách ly tập trung. Ảnh: TTXVN

Trong tình hình dịch hiện nay, Bộ Y tế vừa có hướng dẫn phòng dịch COVID-19 tại nơi làm việc, người lao động phải thực hiện các hướng dẫn sau:

- Việc đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng giãn cách tại nơi làm việc, hội họp, khi ăn ca, các khu vực công cộng tại cơ sở lao động thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Lắp vách ngăn giữa các vị trí làm việc (nếu có thể).

- Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

- Rửa tay thường xuyên. Rửa tay tại các thời điểm trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng dung dịch sát khuẩn tay trước khi tiếp xúc với các bề mặt tay nắm cửa, nút bấm thang máy...

- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay.

- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.

- Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…

- Chủ động thường xuyên vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ lao động và vị trí thường xuyên tiếp xúc của cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn. Hạn chế dùng chung các dụng cụ, phương tiện lao động,... nếu có phải vệ sinh các vị trí tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn trước khi sử dụng.

- Không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa… theo quy định tại nơi làm việc.

- Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc, khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc là ca bệnh, hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc, khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý hoặc và cán bộ y tế tại nơi làm việc.

- Không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19...

 Tạ Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

CNN: Hà Nội hậu Covid – 19, thành phố của sức sống những nụ cười đã quay trở lại

Katie Lockhart, phóng viên của CNN đã mắc kẹt tại Việt Nam và lỡ chuyến bay trở về nước do ảnh hưởng của Covid – 19. Chính nhờ vậy, phóng viên của hãng thông tấn Mỹ đã có cơ hội chứng kiến công cuộc “chống giặc” của Việt Nam và đặc biệt là thấy được sự hồi sinh trên từng vùng miền.

Theo Báo Tin Tức/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/sang-29-5-viet-nam-khong-co-ca-mac-moi-con-8869-nguoi-dang-cach-ly-y-te-phong-dich-covid-19-d125674.html