Sẽ khởi tố điều tra tội giết người nếu bé gái bị đánh đập dẫn đến tử vong

18/09/2021 16:26

Kinhte&Xahoi Vụ việc bé gái 6 tuổi ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tử vong, nghi do bị bạo hành đang gây xót xa, bức xúc trong dư luận xã hội, Cơ quan điều tra đã tạm giữ hình sự bố của bé gái. Sau khi vụ việc được phản ánh, nhiều người đặt câu hỏi vụ án sẽ được giải quyết thế nào, người gây ra cái chết cho bé gái sẽ bị xử lý tội danh gì?

Tạm giữ hình sự người bố có hành vi đánh bé gái

 Ngày 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực điều tra, làm rõ vụ việc bé gái 6 tuổi (phường Xuân Đình, quận Bắc Từ Liêm) tử vong nghi do bị bạo hành. Trước đó vào chiều 17/9, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có báo cáo nhanh về vụ việc.

Sự việc được báo cho cơ quan công an khi phát hiện nhiều vết bầm dập trên cơ thể bé gái

Theo đó, khoảng 11 giờ ngày 16/9, bé gái Lê.H.A (sinh 2015), bị bố là anh Lê Thành C đánh. Đến 16 giờ chiều, bé gái được mẹ cho ăn một bát cháo và uống thuốc. Sau đó, bé bị nôn nhiều và được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, phía bệnh viện xác nhận, nạn nhân đã tử vong trước khi đưa vào viện và trên người có dấu hiệu bị bạo hành nên đã báo cơ quan công an. Tối cùng ngày, khi không thấy học sinh vào lớp học online nên cô giáo đã gọi điện cho mẹ cháu Lê H.A và được biết cháu đã mất.


Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, trường Tiểu học Xuân Đỉnh, phòng LĐTB&XH, UBND phường Xuân Đỉnh và các đoàn thể tìm hiểu, thăm hỏi, động viên đối với gia đình cháu Lê H.A; Giao Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo kịp thời về vụ việc.

Những người dân sinh sống gần nhà cháu bé cho biết, cháu Lê H.A là con của vợ chồng anh C (43 tuổi) và chị Đ (32 tuổi). Gia đình cháu bé mới về đây sinh sống vài năm và kinh doanh nước khoáng. Hai vợ chồng này có 2 người con, dưới bé gái còn em trai 4 tuổi.

Liên quan đến sự việc trên, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi được xác định ngừng tuần hoàn, tử vong ngoại viện. Đến 15 giờ chiều 17/9, công tác pháp y tử thi đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa hoàn tất.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã niêm phong căn nhà nơi cháu bé cùng gia đình đang sinh sống để phục vụ công tác điều tra. Chỉ huy Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, sáng 17/9, đã triệu tập bố cháu bé đến cơ quan công an, bước đầu tạm giữ hình sự người đàn ông này để làm rõ sự việc.

 
Cảnh sát đã niêm phong ngôi nhà bé gái cùng gia đình đang ở

Người đánh cháu bé sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

 Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Cháu bé tử vong có dấu hiệu bầm tím, bị tác động ngoại lực nên cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có căn cứ giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cháu bé bị chết vì bệnh tật hoặc vì tai nạn mà không có lỗi của người lớn thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy cháu bé tử vong do bị đánh đập bởi người nuôi dậy, chăm sóc thì vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những vết bầm tụ ngoài da của cháu bé là do vật gì gây nên và diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào, ai là người chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé; Nguyên nhân nào dẫn đến việc cháu bé tử vong. Ngoài việc xem xét các dấu vết trên cơ thể, thực hiện các thủ tục pháp y thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành triệu tập những người có liên quan, người làm chứng để làm rõ thông tin về vụ việc. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi đánh đập dẫn đến cháu bé tử vong thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.


Cũng theo luật sư Cường, trường hợp không phải là lỗi cố ý, không mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, tuy nhiên người chăm sóc cháu bé đã có hành vi vô ý dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong thì cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Hành vi vô ý hay cố ý sẽ phụ thuộc vào nhận thức, ý thức chủ quan của người chăm sóc cháu bé tuy nhiên đều được xác định là hành vi có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.


Vụ việc dẫn đến chết người, đặc biệt là chết trẻ em là nghiêm trọng. Hy vọng cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ sự việc để có kết luận đúng đắn, làm căn cứ áp dụng các quy định của pháp luật. Đây là một vụ việc hết sức đau lòng, thể hiện nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em ngay khi đang sống cùng gia đình. Hành vi bạo hành, bạo lực gia đình và các vụ tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra nếu như người lớn, những người chăm sóc bảo vệ trẻ em vô ý, bất cẩn hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Trường hợp có căn cứ cho thấy cháu bé tử vong là do cha mẹ bực tức mà đánh đập cháu thì người đánh đập cháu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, với người mà người phạm tội có nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng

Chưa biết nguyên nhân sự việc như thế nào, tuy nhiên hậu quả cháu bé còn quá nhỏ tuổi tử vong như vậy đó là sự đau đớn, mất mát trong gia đình. Nếu nguyên nhân là do cha mẹ cháu đánh tử vong thì câu chuyện sẽ trở thành bi kịch và nỗi đau này rất khó có thể nguôi ngoai. Đây là bài học cho việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đối với các bậc làm cha, làm mẹ.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 2 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. 

 Thành Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/se-khoi-to-dieu-tra-toi-giet-nguoi-neu-be-gai-bi-danh-dap-dan-den-tu-vong-177809.html