Shark Liên rời ghế CEO, 8X thay thế, người Thái áp đảo ban lãnh đạo nước Sông Đuống

19/11/2019 10:54

Kinhte&Xahoi Theo thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vào thời điểm ngày 18/11/2019, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã chính thức thay đổi vị trí Tổng giám đốc. Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã không còn ngồi ở vị trí này.

Shark Liên (trái) đã  rời ghế nóng tại Nước mặt Sông Đuống.

Theo đó, trong lần đăng ký thay đổi lần thứ tư (trong vòng 3 năm kể từ ngày thành lập), kể từ ngày 12/11/2019, CTCP Nước mặt Sông Đuống đã chính thức trở thành công ty có vốn nước ngoài với vốn điều lệ 999,611 tỷ đồng, bao gồm 04 cổ đông tổ chức:

Công ty TNHH Một thành viên Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) sở hữu là cổ đông lớn nhất, sở hữu 58% vốn điều lệ, tương đương 57.977.438 cổ phần;

Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội (Hawaco) nắm giữ 10%, tương đương 9.996.110 cổ phần;

Công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) sở hữu 5%, tương đương 4.998.055 cổ phần;

Cổ đông thứ tư là VIAC (N0.1) Limited Parnership (có trụ sở tại Singapore) do ông Nguyễn Hồng Sơn làm đại diện. VIAC hiện sở hữu 27% cổ phần tại Nước mặt Sông Đuống, tương đương 26.989.497 cổ phần.

Danh sách cổ đông mới nhất của CTCP Nước mặt Sông Đuống.

Như vậy, cả 04 cổ đông hiện tại của Nước mặt Sông Đuống đều là những cổ đông tổ chức, trong đó có 02 cổ đông thuần nhà nước là Hawaco và Newtatco (chiếm tổng cộng 15% vốn điều lệ).

Ngoài việc đăng ký công ty có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài và thay đổi về vốn điều lệ, CTCP Nước mặt Sông Đuống còn đăng ký thay đổi một loạt nhân sự cấp quản lý.

Theo đó, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã không còn là Tổng Giám đốc của công ty.

Thay thế vị trí của bà Liên là ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980, có hộ khẩu thường trú tại 5B7, TT Quân đội, Học viện Quốc phòng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trong ngày khánh thành Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Ông Tạ Đức Hoàng đồng thời cũng là thành viên HĐQT của CTCP Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống).

Trong khi đó, mặc dù rời vị trí quản lý, Shark Liên vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của công ty Nước mặt Sông Đuống. 

Ngoài Tổng Giám đốc Tạ Đức Hoàng và Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Kim Liên, danh sách người quản lý khác của công ty cho thấy người Thái đã chiếm đa số, gồm:

Ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát;

Bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị;

Ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị;

Ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.

Hai người còn lại trong BLĐ công ty là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương – Kế toán trưởng.

Ông Nguyễn Đức Chung tại một sự kiện của công ty.

Cũng theo đăng ký mới nhất, CTCP Nước mặt Sông Đuống chỉ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất là khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Câu chuyện Hà Nội ký hợp đồng chấp thuận giá bán nước sạch tối đa 10.246 đồng/m3 từ khi lập dự án Nhà máy Sông Đuống, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm gây nhiều thông tin trái chiều thời gian qua.

Mức giá này được cho là cao hơn mặt bằng chung của giá bán lẻ, chênh lệch cao gấp đôi so với giá của đơn vị khác cung cấp cùng mặt hàng trên địa bàn thành phố.

Bể lắng tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, với dự án xã hội hóa dịch vụ công như Nhà máy nước mặt sông Đuống không nằm trong phạm vi kiểm toán Nhà nước. Bởi đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý và sử dụng, nên thuộc tài sản tư nhân.

Song, theo ông Phớc, hiện tồn tại bất cập trong quản lý Nhà nước với loại hình dịch vụ công được xã hội hóa là khi giá thành bán ra cao hơn mặt bằng chung. Trong trường hợp này, ông Phớc cho rằng cơ quan quản lý chuyên ngành về nước, cơ quan tài chính - Bộ Tài chính cần tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cư dân Thủ đô sợ hãi sống trong khu tập thể chờ sập

​ “Sống trong nhà mà cảm giác nguy hiểm hơn khi ở ngoài đường” – đó là cuộc sống hàng ngày của những cư dân sống tại khu tập thể C5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị đổ sập.

Theo Infonet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/shark-lien-roi-ghe-ceo-8x-thay-the-nguoi-thai-ap-dao-ban-lanh-dao-nuoc-song-duong-d111460.html