Siêu Ủy ban cho biết, cơ qua này đang tạm sử dụng trụ sở của Văn phòng Chính phủ tại số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Hà Nội, đồng thời phải xin Thủ tướng cho phép thuê thêm trụ sở.
Theo đó, Ủy ban đề xuất bố trí đất tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội với quy mô khoảng 1,5-2,5 ha, hình thức đầu tư dự án theo loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT).
Cơ quan này cho biết, kể từ khi thành lập năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Bộ Tài chính giao sử dụng địa điểm tại số 8 Khúc Hạo, quận Ba Đình với diện tích đất hơn 1.300 m2. Tuy nhiên, cơ sở nhà đất này là biệt thự cổ đã xuống cấp và đang lập dự án cải tạo nên chưa được sử dụng.
Do nhu cầu cấp bách cần có diện tích cho cán bộ làm việc, Ủy ban đã và đang tạm sử dụng trụ sở của Văn phòng Chính phủ tại số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Hà Nội, đồng thời phải xin Thủ tướng cho phép thuê thêm trụ sở.
Để tạo thuận lợi, tập trung vào một đầu mối làm việc và xây dựng bộ máy phát triển sau này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng trụ sở mới tại Tây Hồ Tây là phù hợp và cần được phê duyệt.
Không chỉ phản ánh khó khăn về địa điểm, trụ sở, mới đây Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cũng đã lên tiếng về việc cơ quan này đang gặp khó về nhân sự cũng như đó những vướng mắc về thẩm quyền trong quyết định chủ trương đầu tư, đầu tư công, quy định về quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, sắp xếp lại nhà đất, xác định giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra, giám sát...
"Trừ lãnh đạo Uỷ ban thì có 9 đơn vị, mỗi đơn vị chỉ có 7- 8 người, có đơn vị có từ 3-4 người, lực lượng rất mỏng, đề nghị các doanh nghiệp, các bộ, ngành giới thiệu nhân sự chuyên môn sâu, đáp ứng các yêu cầu về thẩm định dự án đầu tư", Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nói tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ mới đây.
Trước đó, hồi 2014, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tập trung tại Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì. Gần đây nhất, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã có đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nói trên với 3 phương án di dời, có tổng chi phí giao tối đa lên tới 17.000 tỷ đồng.
Theo Vneconomy/Phapluatplus