Số ca mắc ho gà, tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh

05/05/2024 11:28

Kinhte&Xahoi Trong tuần (từ ngày 26-4 đến 3-5), số ca mắc ho gà giảm 12 ca so với tuần trước đó.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 26-4 đến ngày 3-5), thành phố ghi nhận 3 trường hợp mắc ho gà (giảm 12 ca so với tuần trước đó). Cả 3 ca mắc đều là trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà.

Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC (ảnh: Phong Lan)

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 63 trường hợp mắc ho gà tại 21 quận, huyện, thị xã. Trong đó, bệnh nhân là trẻ em dưới 2 tháng tuổi chiếm 60%, chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 72%.

Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận 84 trường hợp mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố (giảm 86 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 24 quận, huyện, thị xã; trong đó một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân là Hà Đông với 17 ca, Ba Đình (12 ca), Đông Anh (7 ca).

Trong tuần cũng ghi nhận 1 ổ dịch tay chân miệng tại quận Ba Đình, giảm 7 ổ dịch so với tuần trước.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 1.031 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023) và 28 ổ dịch. Hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động tại các quận, huyện; trong đó Hoàng Mai có 2 ổ dịch, Nam Từ Liêm 2 ổ dịch; Ba Vì, Đông Anh, Chương Mỹ - mỗi nơi 1 ổ dịch.

Đối với sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận 12 trường hợp (giảm 4 ca so với tuần trước đó), không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 603 ca mắc sốt xuất huyết và 5 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.

Theo nhận định, số ca mắc tay chân miệng đã “hạ nhiệt” so với thời điểm giữa tháng 4-2024. Hiện, các ca bệnh ghi nhận hầu hết là tản phát.

Chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi trung ương (ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Còn ca bệnh ho gà tiếp tục xuất hiện rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Riêng với sốt xuất huyết, số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức thấp, không phát sinh thêm ổ dịch.

Tuy nhiên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ, mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống số một.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, trong thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các khu vực có ổ dịch, tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh..., đồng thời tăng cường tiêm bù, tiêm vét các bệnh có vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Cùng với đó, Sở tổ chức giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Cầu Giấy, Gia Lâm, Sóc Sơn và Đan Phượng.

Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/so-ca-mac-ho-ga-tay-chan-mieng-tren-dia-ban-ha-noi-giam-manh-665443.html