Số vụ cướp tiệm vàng, ngân hàng tăng đột biến trong dịch Covid-19

14/09/2020 15:32

Kinhte&Xahoi Lãnh đạo Bộ Công an liệt kê hàng loạt vụ cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng đình đám mấy tháng vừa qua, nhất là ở Hà Nội, TPHCM. Gần 300 vụ chống người thi hành công vụ cũng được ghi nhận…

14/9, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm năm 2020 của Chính phủ. Việc rà soát, thống kê, báo cáo được tính trong khoảng thời gian từ 1/10/2019 đến 31/7/2020.

Trình bày báo cáo, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2020, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, an ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp, đặc biệt, tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước.

Tuy nhiên, theo tướng Vương, an ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng.

Thủ đoạn của tội phạm tham nhũng, chức vụ

Về tình hình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ hơn 33.000 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, khởi tố hơn 20.000 vụ (tăng 7,6%). Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ.

Lực lượng công an đã triệt phá 2.485 băng nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Riêng 6 tháng đầu năm, công an đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợi thuê.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 38.506 vụ phạm pháp về trật tự xã hội. Đáng lưu ý, tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng, nhất là giết người thân với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát, nhưng ở một số địa phương có thời điểm còn có dấu hiệu buông lỏng, để một số băng nhóm hoạt động trong thời gian dài chưa được phát hiện, triệt phá.

Thứ trưởng Bộ Công an dẫn chứng vụ băng nhóm vợ chồng Đường “Nhuệ” tại Thái Bình, vợ chồng Lý Thị Loan (Loan “cá”) tại Đồng Nai, băng nhóm vợ chồng Phú Lê tại Hà Nội.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thời gian qua đã xảy ra một số vụ cướp tiệm vàng, ngân hàng với thủ đoạn liều lĩnh, manh động. Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ.

Một loạt vụ án được liệt kê như vụ 2 đối tượng cướp gần 900 triệu đồng tại ngân hàng BIDV Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, vụ đối tượng dùng súng cướp ngân hàng Techcombank Sóc Sơn, Hà Nội, vụ đối tượng cướp 200 triệu đồng tại ngân hàng Vietconmbank Núi Thành, Quảng Nam, vụ 2 đối tượng cướp tiệm vàng Kim Phát Dũng ở Bình Chánh, TPHCM lấy đi số vàng 224 triệu, vụ cướp tiệm vàng ở Chợ Mới - An Giang, ở Duy Xuyên - Quảng Nam…

Nửa đầu năm, cơ quan báo cáo thống kê được 285 vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ (tăng 280%), làm 11 cán bộ hy sinh, 206 người bị thương.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, an ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp, đặc biệt, tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước.

Thủ đoạn của tội phạm tham nhũng, chức vụ

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%). Theo đó, đã khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can; gồm 228 vụ/492 bị can phạm tội về tham nhũng, 23 vụ/158 bị can phạm tội về chức vụ.

Thứ trưởng Bộ Công an nhận định tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm. Thủ đoạn tội phạm thường dùng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết các lực lượng đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát đã phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch, như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.

Dù có nhiều nỗ lực trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn sơ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động.

Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến nhưng xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, làm ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước trong một số lĩnh vực. Đặc biệt, còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.

Dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021, Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, mở cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm.

Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Phương Thảo - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện phải đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu: "Các đồng chí chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trực tiếp đi kiểm tra thực tế công tác chống dịch Covid-19. Các đồng chí không đi kiểm tra thực tế thì không thể kiểm soát được tình hình".

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/so-vu-cuop-tiem-vang-ngan-hang-tang-dot-bien-trong-dich-covid-19-20200914104857539.htm