Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở vi phạm điều kiện về an toàn thực phẩm

14/01/2023 20:40

Kinhte&Xahoi Gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng đã trà trộn, buôn bán các loại thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo yêu cầu về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... Do đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm.

Xử phạt nghiêm các đơn vị không đủ điều kiện về an toàn thực phẩm

 Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết đã thiết lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại thực phẩm A.M 59 triệu đồng về các hành vi: Sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Cụ thể, ngày 8/1, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đông Anh phối hợp với Công an xã Cổ Loa phát hiện tại kho của Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại thực phẩm A.M ở khu bãi mít Cổ Loa (đường Đào Duy Tùng, xã Cổ Loa) đang đóng gói các sản phẩm không có nhãn mác như hoa quả khô, bánh,…

Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết đã thiết lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại thực phẩm A.M 59 triệu đồng

Quá trình kiểm tra xác định, công ty chuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng gói các mặt hàng hoa quả khô, bánh, kẹo phục vụ cho nhu cầu dịp Tết Nguyên đán nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Công ty đã tự nguyện giao nộp số hàng hóa trên để phục vụ việc xác minh nguồn gốc.

Ngoài việc xử phạt, Công an huyện Đông Anh đã buộc tiêu hủy tang vật vi phạm; Buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cho biết vừa cùng Cục quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hơn 500 lít rượu sau khi kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại địa chỉ 20BT2, khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang cất giữ 510 lít rượu được sản xuất thủ công. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa này. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng vi phạm để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng thuộc Công ty TNHH Hằng Nhiệm ở số 3, tổ 4 khu nhà nổi Thạch Bàn, quận Long Biên và hộ kinh doanh Rừng Vàng thủ đô tại địa chỉ số 70 ngõ Ga, quận Hà Đông, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, thu giữ 645 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hà Nội đặt mục tiêu 100% chợ được giám sát an toàn thực phẩm

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố trong năm 2023.

Kế hoạch được triển khai với mục tiêu hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ hoàn thiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và quy định tại Đề án để được cấp biển nhận diện theo chỉ tiêu đề ra; xây dựng, lắp đặt nhà trạm phục vụ xét nghiệm nhanh đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ.

Thành phố cũng phấn đấu đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, bố trí khu vực sản xuất kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố để đáp ứng các các yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh giao thương, kết nối các sản phẩm thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố về tiêu thụ tại Hà Nội và tại hệ thống chợ.

Hà Nội đặt mục tiêu 100% chợ được giám sát an toàn thực phẩm

Theo kế hoạch, thành phố đặt ra mục tiêu 100% các chợ được giám sát, lẫy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; 100% cơ sở mở hệ thống sổ sách, ghi chép,...để thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm. Tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 50% so với thời điểm chưa thực hiện Đề án. Xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ và tổ chức vận hành (phấn đấu mỗi phường xã xây dựng tối thiểu 1 nhà trạm tại chợ).

Tối thiểu 60% các chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại tại mục III phần II Đề án.

100% cơ sở có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và phù hợp với loại hình, mặt hàng sản xuất, kinh doanh; 100% cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc Giấy xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thành phố giao Sở Công thương chủ trì, chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất kịp thời với UBND thành phố các giải pháp nhằm thực hiện Đề án một cách hiệu quả; Cập nhật khảo sát, rà soát, xây dựng hệ dữ liệu cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ; đào tạo, tập huấn; Thanh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm; Các sự kiện giao thương kết nối, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm đảm bảo cung cầu hàng hóa; Cấp biển nhận diện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu của Đề án....

Về phía các đơn vị quản lý chợ, cần tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định tại Đề án. Thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng. Các cơ sở cam kết chỉ kinh doanh thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc sổ sách ghi chép nhật ký hoạt động mua bán để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban Chỉ đạo 06 thành phố Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 357/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 06 thành phố).

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-cac-co-so-vi-pham-dieu-kien-ve-an-toan-thuc-pham-215595.html