Tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp lễ, Tết

05/02/2024 13:51

Kinhte&Xahoi Dịp Tết Nguyên đán hằng năm là khoảng thời gian giao thương sôi động, nhu cầu đi lại tăng cao, khí hậu có nhiều bất thường, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương của thành phố Hà Nội đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp ứng trực chuyên môn và tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Lực lượng chức năng ra quân tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quận Tây Hồ.

Không được phép chủ quan

Sắp xếp đồ dùng cho con về quê trước cùng bà, chị Nguyễn Hồng Phúc (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) không quên dặn dò vị trí để khẩu trang dễ lấy nhất trong túi hành lý. “Gia đình tôi vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là những nơi tập trung đông người như nhà ga, bến xe... để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”, chị Phúc cho biết.

Gia đình chị Trần Mai Hương (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cũng vậy, trong các đồ dùng cho dịp Tết, chị không quên chuẩn bị khẩu trang và dung dịch sát khuẩn. Chị Hương tâm sự: "Hiện nay, khẩu trang đóng gói nhỏ 10 chiếc/túi rất tiện lợi cho việc mang theo người để kịp thay thế bất cứ lúc nào. Luôn khuyến cáo người thân rửa tay thường xuyên, tôi còn mua thêm vài lọ dung dịch sát khuẩn nhỏ, tiện dùng khi đi thăm hỏi chúc Tết".

Vừa trải qua đợt nằm viện dài ngày, chị Nguyễn Thị Thanh (phố Hà Cầu, quận Hà Đông) không ngờ mình bị ốm nặng đến vậy. Chị Thanh nghi ngờ bị sốt xuất huyết khi chảy máu mũi, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy có thể chị bị nhiễm khuẩn thông thường gây dị ứng, biến chứng thành nhiễm trùng. “Đến giờ tôi vẫn chưa khỏe lại, nên mọi người cần chú ý bảo vệ sức khỏe”, chị Thanh nói.

Trong khi đó, tại các địa bàn dân cư, công tác tổng vệ sinh ngõ xóm đón Tết an toàn, sạch đẹp đang được khẩn trương thực hiện. Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) Vũ Mai Khanh chia sẻ, ngay sau khi Ban Chỉ đạo 197 phường Thịnh Quang tổ chức phát động đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, các hội, đoàn thể của 15 địa bàn dân cư đã tích cực tham gia, phối hợp vận động nhân dân bóc dỡ quảng cáo sai quy định, vệ sinh ngõ phố sáng - xanh - sạch - đẹp, trang trí đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Phòng dịch từ sớm, từ xa

Quyết tâm không để dịch bệnh lớn xảy ra, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các quận, huyện, thị xã đã đưa ra những mục tiêu cụ thể trong công tác phòng dịch dịp Tết Giáp Thìn và lễ hội xuân.

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Hải cho biết, cùng với các hoạt động chuyên môn, đơn vị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện vệ sinh cá nhân để phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp, viêm phổi nặng do vi rút; ghi nhớ thông điệp "2K" trong phòng chống dịch Covid-19; khuyến khích người dân chủ động phát hiện và thông tin về những trường hợp người mới đến sinh sống trên địa bàn để góp phần kiểm soát nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các phòng khám đa khoa thông tin kịp thời những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bố trí phòng riêng để cấp cứu, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị...

Còn theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ Lưu Văn Báu, quận Tây Hồ xây dựng và triển khai các kế hoạch phòng chống dịch từ sớm, từ xa, sát với tình hình thực tế trên địa bàn quận theo phương châm “4 tại chỗ”. Trung tâm chủ động rà soát, bảo đảm đầy đủ các phương tiện, vật tư phục vụ công tác chống dịch tại các tuyến. Quận cũng quyết tâm không để xảy ra ổ dịch lớn đối với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập, mới nổi, tái nổi như Ebola, Mers-CoV, cúm A, đậu mùa khỉ...; 100% ổ dịch sốt xuất huyết cũ từ năm 2023 được giám sát trong vòng 6 tháng đầu năm 2024; kiện toàn và củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận và 8 phường; rà soát các đội đáp ứng nhanh với dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Quận cũng chú trọng tuyên truyền sự nguy hiểm của dịch bệnh và những biện pháp ứng phó nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen, tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho hay, các đơn vị chuyên môn của địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nơi tập trung đông người; chủ động phương án bảo đảm cấp cứu, điều trị cho người bệnh; chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện cho công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng bao vây, khống chế ổ dịch tại cộng đồng; làm tốt công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tại các cơ sở y tế.

Cùng với các địa phương nói trên, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó nhấn mạnh lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Nhóm PV- Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lan tỏa tinh thần Hà Nội vì cả nước

Cùng thực hiện mục tiêu không để ai không có Tết, không để ai bị bỏ lại ở phía sau, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã và đang huy động nhiều nguồn lực nhằm đưa những phần quà ý nghĩa đến với đồng bào còn gặp khó khăn tại nhiều địa phương trên cả nước. Hoạt động ý nghĩa này góp phần lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” trước thềm năm mới Giáp Thìn.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-dip-le-tet-657710.html