Tăng lương, phụ cấp cho giáo viên: Không thể chậm trễ!

20/11/2022 12:03

Kinhte&Xahoi Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc nằm ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, công việc quá nhiều khi giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Sẽ rà soát giảm những công việc ngoài chuyên môn cho giáo viên.

Hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc đi đâu

Hiện cả nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên, trong năm 2022, các địa phương cần tuyển thêm 27.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên và từ nay đến năm 2025 là 64.000 biên chế. Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng ngàn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, một số tỉnh có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn tuyển. Hoặc có nguồn tuyển nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn. Thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học.

Bộ trưởng GD-ĐT cho biết theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, năm học 2021- 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Cụ thể, cấp mầm non có 6.391 giáo viên nghỉ, chuyển việc; trong đó, công lập 2.503 giáo viên, ngoài công lập 3.888 giáo viên. Tiểu học có 4.493 giáo viên; trong đó, công lập 3.851, ngoài công lập 642. Trung học cơ sở có 3.425 giáo viên; công lập 3.110, ngoài công lập 315. Trung học phổ thông có 1.956 giáo viên; công lập 943, ngoài công lập 1.013.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...

Ở những địa phương này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (giáo viên nghỉ việc sẽ chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc làm việc ở các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn).

Một số ít địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Gia Lai, Sơn La…, số giáo viên nghỉ việc cũng nhiều hơn các địa phương khác.

Cùng với đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên mầm non không phải người địa phương trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại.

Còn đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống. “Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn”, ông Sơn phân tích.

Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên.

Thêm vào đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn. Mặc dù trong những năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo đã quyết liệt trong việc đổi mới cơ chế quản lý nhưng sự thay đổi trong một số nhà trường còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Điều này cũng gây ra những áp lực cho giáo viên như phân công nhiệm vụ chưa hợp lý, thiếu khoa học, tổ chức quản lý thiếu dân chủ, nặng về áp đặt, mệnh lệnh từ trên xuống dưới… Từ đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên”.

Đồng thời, tác động của nền kinh tế thị trường và nhu cầu của giáo viên tăng, giáo viên có năng lực tốt sẽ có xu hướng tìm đến những nơi có điều kiện tốt hơn để tìm cơ hội thăng tiến; một số giáo viên chấp nhận bỏ nghề, đi học lại để tìm kiếm cơ hội việc làm khác.

Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo

Với thực trạng trên, ông Sơn đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo. Tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Ông cũng đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.

Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về chế độ làm việc, chính sách với nhà giáo theo thẩm quyền, tạo động lực và động viên nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường và quản lý đội ngũ để giảm bớt áp lực cho giáo viên…

Các địa phương tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng.

Liên quan đến việc tăng lương, phụ cấp cho giáo viên yên tâm công tác, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã lên tiếng khi tham gia giải trình trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ - bà Phạm Thị Thanh Trà. Ông cho rằng, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn, Đảng, Nhà nước ưu tiên xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, để những người thầy không còn phải tính toán chi ly, co kéo đồng lương eo hẹp cho hàng chục khoản chi mỗi tháng; toàn tâm toàn ý, yên tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh.

Lương và phụ cấp giáo viên tăng thêm cũng là động lực thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời, khi khối công lập tăng lương, sẽ là đòn bẩy, kích thích khối tư thục quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô giáo và đầu tư cho con người.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc nâng lương, phụ cấp cho nhà giáo, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường, để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ rà soát các chế độ chính sách khác như quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.

Theo Bộ trưởng, đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương, do đó, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình. Ngành giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ thì giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc. Chúng tôi cũng rất cần được chia sẻ, đồng hành, tôn trọng từ phía xã hội và phụ huynh”… Đồng thời, để giảm áp lực học hành cho học sinh và phụ huynh, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục nghiêm cấm giáo viên bớt giờ, nội dung để ép buộc phụ huynh phải cho con học thêm; vi phạm điều lệ trường học và đạo đức nhà giáo”…

Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ phối hợp điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên

Đây là nội dung tại Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai tuyển dụng số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định cho địa phương năm học 2022 - 2023; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo viên.

Theo Bộ GD-ĐT, việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.

Theo Luật Giáo dục 2019, Chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại Ao có hệ số lương từ 2,10 đến 4,89. Với mức phụ cấp 35% thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.

Do đó, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, cụ thể là: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh. 

 Uyên Na - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội triển khai chiến dịch uống bổ sung Vitamin A cho trẻ

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thường trực lập kế hoạch cụ thể, tổ chức Chiến dịch uống bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian bắt đầu từ ngày 1/12/2022.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/tang-luong-phu-cap-cho-giao-vien-khong-the-cham-tre-d186840.html