Tạo chuỗi liên kết bền vững cho hàng Việt

13/03/2022 10:24

Kinhte&Xahoi Từ cuối tháng 4-2021 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian chứng kiến sức sống bền vững của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Khách chọn mua sản phẩm ở hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Hà Đông).

Kế thừa đà phục hồi, tăng trưởng tích cực trong quý IV-2021, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội trong hai tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì tăng trưởng.

Phân tích về kết quả này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết. Ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành liên quan, UBND các cấp triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã; phối hợp tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Đặc biệt, việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bền bỉ, liên tục trong 12 năm qua là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ và làm tăng cường thêm các mối liên kết này.

Cũng nhằm đẩy mạnh mối liên kết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 và xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất nhập khẩu, logistics và tăng cường quản lý thị trường. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh thông qua tăng cường sử dụng sản phẩm của nhau, tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Mặt khác, mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã cũng được duy trì, từ đó hỗ trợ người sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa, đặc biệt là nông sản.

“Khi chúng ta phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới” thì việc giữ vững chuỗi liên kết đã giúp góp phần ổn định cung cầu hàng hóa trong nước”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Xác định giữ vững chuỗi liên kết hàng Việt là giải pháp quan trọng trong bối cảnh khó khăn do giãn cách, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Cùng với đó, mối liên kết được duy trì ổn định giữa các bộ, ngành với người dân, doanh nghiệp; giữa địa phương với địa phương; giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối và vận tải…

Hướng tới phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, trong đó nhấn mạnh đến khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Với tinh thần đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp vượt khó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt về các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay.

Để duy trì chuỗi sản xuất hàng Việt Nam bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong tình huống dịch có thể kéo dài; có kiến nghị kịp thời về những bất cập phát sinh để tránh xảy ra tình trạng cát cứ, ách tắc lưu thông hàng hóa như vừa qua. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần thống nhất khi triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, để bảo đảm đủ nguyên liệu cho sản xuất.

Bên cạnh việc kết nối cung cầu, bà Lê Việt Nga cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa để cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại khi dịch bệnh được kiểm soát; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa ngành thương mại trong nước bằng cách kết hợp được cả thương mại điện tử, công nghệ số để giúp tiết kiệm được hơn nữa chi phí logistics, giảm giá thành để người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận những hàng hóa tốt, có giá thành hợp lý.

 Thanh Hiền- Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022

Ngày 11/3, tại Quảng trường Khu đô thị Royal City (Hà Nội), Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội phối hợp với UBND các tỉnh: Thái Bình, Nghệ An và Bình Dương tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1026828/tao-chuoi-lien-ket-ben-vung-cho-hang-viet