Tập đoàn Danh Khôi: Lỗ nặng, dòng tiền âm nhiều năm, sức khỏe tài chính đi xuống

14/10/2021 07:16

Kinhte&Xahoi Tập đoàn Danh Khôi bất ngờ lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh cũng âm nhiều năm nay đe dọa tình hình tài chính của công ty.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã CK: NRC) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 sau soát xét với tình hình kinh doanh và tài chính kém khả quan.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Danh Khôi ghi nhận 4,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm rất sâu so với mức 94,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu vỏn vẹn chỉ vài tỷ đồng trong khi Tập đoàn Danh Khôi vẫn phải trả chi phí bán hàng 27 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 51 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng khoản chi phí lãi vay 4,3 tỷ đồng đã gần tương đương doanh thu.

Ông Lê Thống Nhất - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Danh Khôi. (Ảnh: website công ty)

Trong kỳ, Tập đoàn Danh Khôi ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 12 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty lỗ 69,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 2,3 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, ông Lê Thống Nhất - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Danh Khôi cho biết, tình trạng kéo dài việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu dịch vụ môi giới và đầu tư, dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh bị giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, công ty còn mở rộng quy mô hoạt động nên chi phí cũng tăng so với cùng kỳ.

Đáng nói, không chỉ lỗ nặng mà dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Danh Khôi cũng đang gặp vấn đề khi âm nhiều năm nay. Trong 6 tháng năm 2021, dòng tiền của công ty âm tới 521,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái cũng âm 33,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, 2020, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Danh Khôi lần lượt âm 133,7 và 55,5 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách mà có thể không thu được tiền về. Vì vậy để bù đắp, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.

Tập đoàn Danh Khôi của ông Lê Thống Nhất kinh doanh đi xuống. (Ảnh: FB/Danh Khôi)

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, với những doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.

Tuy nhiên, về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.

Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Trở lại với báo cáo tài chính của Tập đoàn Danh Khôi, tính tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của công ty ở mức 1.240 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản phải thu ngắn và dài hạn đã chiếm tới gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu tại Công ty Cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings là hơn 500 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier 200 tỷ đồng...

Cũng tại thời điểm ngày 30/6/2021, nợ phải trả Tập đoàn Danh Khôi tăng từ 291,1 tỷ đồng lên mức 332,5 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tăng đột biến từ 477,5 tỷ đồng từ đầu năm lên mức 907,5 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tập đoàn Danh Khôi tiền thân là Công ty Cổ phần Bất động sản Netland, thành lập từ nâm 2014 với số vốn điều lệ ban đầu là 1,9 tỷ đồng. Đến giữa năm 2017, Netland đầu tư vào Công ty Cổ phần Bất động sản Danh Khôi và biến Danh Khôi thành công ty con, sau đó tái cấu trúc hệ thống Netland - Danh Khôi. Đến tháng 12/2020, Netland đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NRC của Tập đoàn Danh Khôi chốt phiên 13/10 ở mức 21.900 đồng/đơn vị, giảm 9,5% so với phiên trước đó. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu NRC đã tăng xấp xỉ 60% thị giá.

Theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, từ ngày 8/9/2021, cổ phiếu NRC của Tập đoàn Danh Khôi bị đưa vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2021 là số âm.

Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội quy định 119 vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4410/QĐ-UBND về việc ban hành Chuyên đề số 9 về thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ. Chuyên đề này được xây dựng căn cứ theo Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tap-doan-danh-khoi-lo-nang-dong-tien-am-nhieu-nam-suc-khoe-tai-chinh-di-xuong-180246.html