Tất cả vì miền Nam thân yêu

24/08/2021 07:34

Kinhte&Xahoi Trưa 23/8, cùng với hơn 1.000 bác sĩ và học viên Học viện Quân y, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang lên chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM để chỉ đạo chống dịch.

Với sự hợp tác đồng lòng đồng sức của quân với dân, nhất định “chiến dịch này không được phép thất bại”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, cũng đã có mặt tại TP HCM thị sát tình hình ngày đầu tiên TP thực hiện siết chặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.

Đi cùng Phó Thủ tướng Đam còn có Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Đam khẳng định thời điểm này “không nói suông”.

Cũng từ sáng ngày hôm qua, trên đường phố TP HCM, đã xuất hiện những bóng dáng quân phục bộ đội thực hiện nhiều nhiệm vụ như thành lập bệnh viện dã chiến; phối hợp tuần tra, kiểm soát việc thực hiện giãn cách; chăm sóc y tế cho người dân, xét nghiệm, tiêm vaccine; mang lương thực đến từng nhà dân… Lực lượng tại chỗ đã quá vất vả trong một thời gian rất dài, sự tiếp sức của quân đội là vô cùng cần thiết hữu ích ở thời điểm này.

Tại Hà Nội, cùng ngày 23/8, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP HCM và các tỉnh khu vực phía Nam.

Tướng Cường yêu cầu toàn quân tập trung thi đua, thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực, “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ” và “bộ đội chủ động đến với dân, chứ không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”. Lực lượng quân đội phải tích cực trong tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Những sự tiếp sức kịp thời của Trung ương từ đường hướng, nhân lực vật lực, đến tinh thần… đã bước đầu cho thấy hiệu quả. Tại TP HCM, ghi nhận cho thấy Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã được thực hiện nghiêm túc, hầu như không có tình trạng người ra đường không có lý do chính đáng.

Tại Bình Dương, với sự hỗ trợ của công an bộ đội được tăng cường, tỉnh đã có thể trung chuyển, hàng chục ngàn ca F0 mắc COVID-19 từ “vùng đỏ” phía nam của tỉnh đã được điều chuyển đến các khu cách ly, điều trị của các huyện, thị xã, thành phố phía bắc có cơ sở y tế tốt hơn như Thủ Dầu Một, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên; nhằm “chia lửa” cho hai địa phương có nhiều ca nhiễm là TP Thuận An và thị xã Tân Uyên.

Những gì tốt nhất đều đã được chi viện cho miền Nam, và với sự hợp tác đồng lòng đồng sức của quân với dân, nhất định “chiến dịch này không được phép thất bại”, như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

 Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tat-ca-vi-mien-nam-than-yeu-d164317.html