Thanh Hóa: Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19

27/08/2021 14:04

Kinhte&Xahoi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành Công văn khẩn số 359 - CV/TU về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Trong những ngày gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 tại các khu cách ly và ngoài cộng đồng; đặc biệt từ ngày 24/8 đến ngày 26/8/2021, đã ghi nhận 08 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, trong đó tại huyện Nông Cống 07 ca và thành phố Sầm Sơn 01 ca; nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất cao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại huyện Nông Cống, ngày 24-8-2021. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt Trung ương tại Thông báo kết luận số 10-TB/VPTU ngày 24/8/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; để tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ cấp bách để phòng chống dịch covid-19.

Cụ thể, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh khẩn trương tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh trong tình hình mới, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; đồng thời, thành lập các Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Các huyện, thị, thành ủy khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện do đồng chí Bí thư huyện, thị, thành ủy làm Trưởng ban; thành lập các Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.

Đồng thời, tổ chức đánh giá thực chất việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thời gian qua để phát huy ưu điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm những mặt còn tồn tại, yếu kém; tập trung rà soát, hoàn chỉnh các phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch xâm nhập, lan rộng, nhất là ở những khu vực trọng yếu như: Thành phố Thanh Hóa, các khu vực đông dân cư, chợ đầu mối, khu kinh tế, khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông lao động, các bệnh viện, công sở, trường học.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ trong phòng chống dịch.

Chỉ đạo rà soát tất cả những người từ vùng dịch trở về địa phương, nhất là từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam để có biện pháp siết chặt quản lý, giám sát, cách ly và xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo, bỏ sót đối tượng, vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố có người trở về từ huyện Nông Cống trong khoảng thời gian từ ngày 16/8/2021 đến nay phải thực hiện ngay việc khai báo, cách ly, theo dõi y tế theo quy định.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, khẩn trương thành lập các chốt kiểm soát trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện để quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn do mình quản lý và bố trí đủ lực lượng ứng trực 24/24 giờ; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập các chốt kiểm soát trên các tuyến đường xã, liên xã để quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn, theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 13008/UBND-VX ngày 25/8/2021.

Đồng chí Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trước pháp luật về hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 thuộc địa bàn, phạm vi quản lý.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành, đơn vị liên quan, tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm soát liên ngành, các chốt trọng yếu của tỉnh trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để xiết chặt quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn tỉnh; đặc biệt, tăng cường kiểm tra các phương tiện lưu thông, kể cả xe được cấp “luồng xanh”, kiên quyết không để lợi dụng chở người vào tỉnh bất hợp pháp hoặc vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện các phương án, kịch bản, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; kiên quyết không để dịch lan rộng, nhất là địa bàn huyện Nông Cống, thành phố Sầm Sơn, các địa phương lân cận, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các khu đô thị tập trung đông người...

Tập trung cao nhất mọi nguồn lực chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho người dân, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng, hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phấn đấu không để lây nhiễm ra cộng đồng; kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.

Khẩn trương rà soát, bổ sung đối tượng cần xét nghiệm tầm soát và ưu tiên cung ứng, tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại các địa bàn trọng điểm, địa phương đang có dịch và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.


Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực và các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh triển khai các biện pháp siết chặt an ninh, trật tự an toàn xã hội, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục phát động sâu rộng các phong trào, các cuộc vận động, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Giao các Ban, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Công văn này; kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vấn đề phát sinh./.

 Phương Nhi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-hoa-tang-cuong-cac-bien-phap-cap-bach-phong-chong-dich-covid-19-d164688.html