Thành phố Hồ Chí Minh: Cảnh giác cao với nguy cơ cháy nổ tại chung cư, nhà trọ

20/09/2023 14:17

Kinhte&Xahoi Ngoài hàng nghìn chung cư, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 42.256 cơ sở là nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH).

Lực lượng chữa cháy bên trong căn hộ bị cháy tại chung cư Hoàng Anh New Saigon rạng sáng 20-9.

Nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu

Rạng sáng 20-9, tại căn hộ A03.02 chung cư Hoàng Anh New Saigon (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh) bất ngờ xảy ra cháy. Ngọn lửa phát sinh do chập điện điều hòa rồi lan sang ghế sofa trong phòng khách. Chuông báo cháy reo vang lúc gần 2h sáng khiến cư dân vội vã bung cửa chạy xuống sân thoát hiểm. Rất may, lực lượng chữa cháy tại chỗ và chuyên nghiệp đã kịp thời có mặt, nhanh chóng khống chế đám cháy, dập tắt ngọn lửa ngay sau đó.

Một người dân bế cháu nhỏ đứng ở ban công chờ giải cứu.

Chị Nguyễn Thúy Nga, cư dân chung cư, chia sẻ: “Rất may là chung cư lớn có đủ thiết bị, chuông báo cháy vẫn hoạt động, nhưng các nhà trọ sẽ nguy hiểm hơn, vì không có đủ những thứ này. Mong mọi người đừng chủ quan, vì cháy nổ có thể xảy ra bất cứ đâu, bất cứ lúc nào”.

Lo lắng của chị Nga là rất có cơ sở. Trong sáng 20-9, nhóm phóng viên đã có cuộc khảo sát tại xóm trọ trong hẻm sâu 60/68 đường Lâm Văn Bền, quận 7, nơi những phòng trọ khoảng 10m2 khép kín, có gác lửng là nơi sinh sống của nhiều công nhân Khu Chế xuất Tân Thuận và sinh viên một số trường đại học gần đó. Xóm trọ nằm giữa khu dân cư, đường trước nhà chỉ rộng đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Ô tô phải đỗ cách đó 300m.

Một xóm trọ điển hình dành cho công nhân, sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phòng trọ là những căn hộ kín 3 mặt, chỉ có lối ra duy nhất là cửa trước. Người thuê trọ nấu nướng, ăn uống, tắm giặt, để xe máy trong căn nhà chỉ rộng chừng 10m2, tối đến leo lên gác lửng để ngủ. Phần lớn người dân dùng ga và bếp điện để đun nấu. Dây dẫn điện chạy loằng ngoằng trong căn nhà nhỏ. Các phích cắm nối chồng lên nhau để nhiều thiết bị hoạt động cùng lúc.

Anh Trương Văn Chuyên, công nhân ở trọ, tâm sự: “Vẫn biết là sẽ nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ, nhưng những xóm trọ kiểu này vẫn được nhiều công nhân, sinh viên như tôi lựa chọn làm nơi tá túc vì giá rẻ, gần chỗ làm. Vì mưu sinh và điều kiện kinh tế bản thân, chúng tôi chưa có lựa chọn khác”.

Phòng trọ điển hình được nhiều người lao động lựa chọn vì giá rẻ.

Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 42.256 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH). Hiện có 4.490 cơ sở do công an quản lý, trong đó có 103 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; có 37.766 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.

“Các loại hình trên phát triển mạnh, nhưng văn bản quy phạm pháp luật để quản lý vẫn chưa đáp ứng kịp. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều nơi không đảm bảo yêu cầu về PCCC-CNCH , không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07) Công an thành phố Hồ Chí Minh, thông tin.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Từ ngày 18-9, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch về việc tổng rà soát, kiểm tra các điều kiện về an toàn PCCC-CNCH với cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở tập thể, chung cư cũ. Ngoài việc nắm chắc tình hình hoạt động, cơ quan chức năng còn tập hợp tồn tại, bất cập trong quản lý Nhà nước với lĩnh vực này để tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục.

Công an thành phố Thủ Đức kiểm tra việc sẵn sàng chữa cháy tại một điểm dân cư.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07, cho biết: “Lực lượng sẽ kiểm tra (cả đột xuất), hướng dẫn điều kiện an toàn điện trong việc thiết kế, lắp đặt, sử dụng trước và sau công tơ điện của các cơ sở này. Đặc biệt, kiểm tra hệ thống điện, quản lý, sử dụng điện, sạc xe điện... Thời gian kiểm tra là từ nay đến trước ngày 30-10-2023”.

Ngay sau khi có kế hoạch, Công an các địa phương của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đồng loạt vào cuộc. Đơn cử, tại quận 1, Công an phường Cầu Ông Lãnh đã đến từng hộ gia đình kết hợp nhà ở và kinh doanh trên địa bàn để tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ, tạo lối thoát hiểm thứ 2 và trang bị các bình chữa cháy cho các hộ dân trên địa bàn phường, đặc biệt là khu chợ Cầu Muối, chợ Gà, chợ Gạo, khu chung cư...

Công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 vận động mỗi hộ dân trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy.

Trung tá Trần Thanh Thuần, Phó Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh, nói: “Chúng tôi vận động các hộ dân chuẩn bị tốt nhất tinh thần 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Khi có cháy, phải tranh thủ “thời điểm vàng” 5 phút từ khi vụ cháy xảy ra, kịp thời huy động tối đa các lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy. Trong các ngày từ 22 đến 26-9, Công an phường sẽ tập huấn và diễn tập toàn bộ kỹ năng thoát hiểm cho người dân trên địa bàn”.

Trên quy mô toàn thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dù công tác kiểm tra an toàn phòng, chống cháy nổ đã được Công an các cấp thực hiện thường xuyên, liên tục và thực hiện cao điểm kiểm tra từ 4 tháng qua nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục.

Công an thành phố Thủ Đức kiểm tra PCCC tại một điểm căn hộ cho thuê trên địa bàn.

“Công an thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý Nhà nước về PCCC-CNCH cho lực lượng công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra an toàn trên địa bàn; vận động các hộ gia đình trang bị thiết bị báo cháy tự động, bình chữa cháy xách tay, mở và duy trì lối thoát nạn thứ 2, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC… Tăng cường công tác quản lý PCCC không chỉ ở loại hình chung cư, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà trọ, mà còn đối với các loại hình khác như khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh…”.

 Nhóm PV - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ông Ngô Ngọc Phương được bầu làm Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy

Kỳ họp thứ 9, kỳ họp chuyên đề HĐND quận Cầu Giấy khóa VI diễn ra sáng 18-9 trong thời điểm các địa phương đang triển khai mạnh mẽ Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, cả hệ thống chính trị của quận đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ chính trị năm 2023.

Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng lên hơn 2.000 ca/tuần

Trong tuần này, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, với hơn 2.000 ca/tuần (tăng gấp đôi so với tuần cuối tháng 8-2023). Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-canh-giac-cao-voi-nguy-co-chay-no-tai-chung-cu-nha-tro-642490.html