Thành phố Hồ Chí Minh đang điều chỉnh quy hoạch chung nhằm tạo sức bật mới cho phát triển đô thị hiện đại, bền vững. Trong ảnh: Một góc thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).
Mong chờ diện mạo mới
Sau hơn một năm thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này vẫn chưa thể khởi động các dự án hạ tầng đô thị lớn. Cầu Thủ Thiêm 2 và tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên là hai dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn đi qua địa bàn đang được thi công “nước rút” để kịp hoàn thành lần lượt năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, hai dự án trên được khởi công trước khi thành phố Thủ Đức được thành lập.
Hiện các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh cũng đang nghiên cứu để lập đề án chuyển từ huyện lên quận. Riêng huyện Củ Chi được đề xuất thành lập thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, việc đề xuất thành lập thành phố Củ Chi nhằm đưa địa phương này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những dư địa hiện có. Để tạo diện mạo mới, huyện Củ Chi đã giới thiệu 9 dự án phát triển đô thị với quy mô gần 6.000ha để kêu gọi các nhà đầu tư.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch đô thị) cho rằng: “Cần phải tích hợp quy hoạch thành phố Thủ Đức hài hòa trong tổng thể quy hoạch chung của thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh nên dành cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức để địa phương này có đủ quyền hạn cần thiết nhằm chủ động trong việc thu hút đầu tư và quản lý các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. Bên cạnh đó, chuyển các trọng tâm sang những lĩnh vực động lực mới như tài chính quốc tế, công nghệ cao, công nghệ sinh học… để trở thành trụ cột quan trọng của kinh tế thành phố”.
Anh Trần Văn Thịnh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Được biết, thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho thời gian tới. Tôi kỳ vọng qua đây sẽ tạo nên diện mạo mới cho thành phố trong tương lai, tăng chất lượng sống của người dân".
Cần giải quyết nhiều vấn đề
Tính từ năm 1993 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh trải qua 2 lần điều chỉnh quy hoạch chung, từ Quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16-1-1993; tiếp đó, ngày 6-1-2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 tại Quyết định số 24/QĐ-TTg. Tuy nhiên, qua quá trình thực tiễn phát triển đô thị hơn 10 năm qua cho thấy, những quy định hiện hành không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh để huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khi nhu cầu xây dựng phát triển hạ tầng đô thị đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, trong tình hình ngân sách nhà nước còn hạn chế, thì việc đổi mới quản lý và phát triển theo tư duy kinh tế thị trường không chỉ là thử thách, mà còn là cơ hội lớn cho việc mở rộng, phát triển đô thị trong tương lai. Trong đó, có hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm là: Phát triển đô thị cần song hành với bảo đảm an cư lạc nghiệp cho người dân; đổi mới tư duy quản lý đơn ngành sang đa ngành và tận dụng các cơ hội tạo nguồn thu giúp tăng ngân sách.
Chính vì vậy, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Một trong số đó là chuyển đổi số trong quy hoạch đô thị và khả năng dự báo những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, công tác điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới cần dự báo được sự biến động dân số, sự đa dạng các thành phần kinh tế để hài hòa được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chất lượng sống của người dân. Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch chung lần này cũng phải dự tính được các nguồn lực cũng như phương pháp phân bổ nguồn lực tập trung cho trọng điểm phát triển, tránh dàn trải...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 còn để đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong dài hạn; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ phát triển đô thị gắn với dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư, xây dựng phát triển đô thị bền vững.
Nguyễn Lê - Hà Nội mới