Thông tin cụ thể về chi tiền mua tin tố giác tham nhũng, tiêu cực

02/11/2023 18:09

Kinhte&Xahoi Chiều 2-11, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và một số nội dung dư luận quan tâm.

Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Trần Quốc Trung thông tin tại họp báo.

Liên quan đến vấn đề được dư luận quan tâm là mua tin tố giác tham nhũng, tại họp báo, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Trần Quốc Trung cho biết, ngày 31-10-2023, Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin với nội dung: Cán bộ, đảng viên, nhân dân cung cấp thông tin với mục tiêu cao nhất là để xây dựng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nên mức chi trả là hình thức để khuyến khích nhân dân thông tin tố giác tham nhũng, tiêu cực.

Mục đích của việc này là nhằm xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định trong tổ chức, tiến tới hoàn thiện quy trình hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố. Theo đó, mức chi tối đa 10 triệu đồng mỗi tin theo quy định, hướng dẫn từ các văn bản của Trung ương, Ban Nội chính Trung ương.

Cơ chế này khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh, bởi theo quy định thì người cung cấp thông tin phải cung cấp rõ họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin. Đồng thời, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật do mình gây ra.

Cũng theo ông Trần Quốc Trung, từ trước đến nay, việc ghi nhận thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được thành phố triển khai thực hiện theo các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước (như qua tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kiểm tra, thanh tra, giám sát...). Việc chi tiền ngân sách mua tin là căn cứ theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương, kinh nghiệm triển khai của của một số tỉnh, thành, nhằm khuyến khích, động viên người dân cung cấp thông tin. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh vai trò, trách nhiệm và sự hỗ trợ của người dân, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành, chia sẻ cũng như có sự góp ý, hiến kế để giúp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại thành phố đạt hiệu quả.

 Thúy Nhi - Nguyễn Lê - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tuần qua

Số ca mắc mới sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội ghi nhận trong tuần qua giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức cao. Hiện, toàn thành phố còn 233 ổ dịch đang hoạt động tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân.

Quy hoạch liên kết vùng: Tạo đà đưa Hà Nội phát triển xứng tầm

Hà Nội đã điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (phê duyệt năm 2011). Và hiện nay, việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã khiến cấu trúc không gian vùng dần được định hình trên cơ sở kế thừa những đồ án quy hoạch trước đây, đồng thời điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Điều này đã và đang đáp ứng vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng và cả nước.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thong-tin-cu-the-ve-chi-tien-mua-tin-to-giac-tham-nhung-tieu-cuc-646799.html