Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Hà Nội, TP Hồ Chí Minh kéo dài cách ly xã hội ít nhất đến 22/4

15/04/2020 19:54

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, kéo dài hạn cách ly xã hội.

Chiều 15/4, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16 và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. ( Ảnh Tiền Phong)

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh…

Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chia làm 3 nhóm tỉnh: có nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp và thống nhất, các nhóm này không phải là bất biến và sẽ được xem xét, đánh giá lại.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương đặc biệt là 2 đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng có lây nhiễm xảy ra.

Điều kiện tiếp tục thực hiện dãn cách: nhóm 1 thêm 2 tuần, nhóm 2 thêm 1 tuần.

Nhóm 1 (có nguy cơ cao) gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Nhóm 2 (có nguy cơ) gồm 15 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp.

Nhóm 3 (có nguy cơ thấp) gồm 36 tỉnh còn lại.

Cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn lây lan dịch COVID-19, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. 

Sau 15 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, người dân cơ bản đã hợp tác, có ý thức chấp hành nghiêm các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ và thành phố.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình trạng tập trung đông người đi lại không cần thiết đã xuất hiện ở một số khu vực cộng đồng dân cư, nhất là hai ngày cuối của thời hạn cách ly xã hội, người dân đổ ra đường khiến nhiều người lo ngại tình trạng này sẽ phá vỡ những thành quả đã đạt được trước đó.

Nếu không thực hiện cách ly xã hội, việc truy dấu "F0" (người mắc COVID-19) gặp nhiều khó khăn. 15 ngày giãn cách xã hội cũng là thời gian giúp Hà Nội tăng tốc trong việc điều tra xác minh những “F” liên quan đến các ca "F0", mở rộng xét nghiệm truy vết "F0", khoanh vùng, dập dịch.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội giao 650 tỷ đồng vốn ủy thác giúp người nghèo vượt khó

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác (đợt 1) qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-chinh-phu-dong-y-de-ha-noi-tp-ho-chi-minh-keo-dai-cach-ly-xa-hoi-it-nhat-den-22-4-d122063.html